8/10/07

SINH NHẬT TRÊN BẢN GIỐC












TƯỜNG THUẬT CHUYẾN ĐI BẢN GIỐC 15-6~17-6 (đón sinh nhật 17-6 trên Bản Giốc)

Loạt bài này viết từ hồi tháng 6

Đêm càng khuya, mưa càng nặng hạt trên con dốc ngoằn ngoèo đường lên nhà khách tỉnh uỷ Bắc Kạn. Những tán cây bên đường đều tăm tắp loang loáng trong nước mưa dưới ánh đèn. Rầm rập một đoàn xe máy lao qua, từng chiếc từng chiếc hoà vào nhau một chuỗi âm thanh huyên náo. Nắng khuya ngập tràn lỗi đi, nắng khuya ngập tràn trong mưa, nắng khuya - những chiếc đèn xe như mặt trời rực rỡ trong đêm.

Bác bảo vệ khu nhà khách ngẩn ngơ trước sự xuất hiện của đoàn khách lạ. Tất nhiên chẳng phải cướp đêm rồi. Có chú gì mặc quần đùi dép lê ra bảo lãnh, nhìn mặt hơi gian gian, nhưng tạm được, dù sao cái cô đeo kính đi cùng trông cũng hiền lành dễ thương. "Các cháu ở đâu lên thế, vất vả quá nhỉ, khiếp thế cơ à, ở mãi Hà Nội lên. Thế mai định đi đâu" Cứ thế, từng xe phi qua cái cổng sắt, định vị trong một khoảng sân rộng lớn chừng 100 m2 giữa 3 khu nhà khép kín lại thành hình chữ U. Những tiếng hỏi han chân thành mộc mạc của bác bảo vệ bị lọt thỏm trong tiếng xe qua, tiếng mưa đổ rầm rầm trên mái vòm trên khoảng sân rộng lớn.

1 rưỡi đêm Nhím gọi dậy, bạn Hằng ơi xin lỗi bây h bọn tớ mới tới, Hê hê, sao mà phải xin lỗi nhỉ. May quá, thế là có quân tiếp viện. Mình bị đói từ tối. Có cái lương khô và mấy quả vải cho vào bụng thôi. Hỏi nhặng lên, có gì ăn không thế?

Một vài người khác có vẻ rất ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột của mình. Nhưng hề gì, phải đi tìm cái bỏ vào bụng đã. Lại gặp chị Hương tháo vát, nhanh nhẹn, chị và anh Phú nhanh chóng gỡ cái hộp giấy to đùng từ ngoài sân, mang vào phòng. Hì hục cắt những mảng băng dính ra. Thấy xúc xích, mắt cứ gọi là sáng như sao.

Xong xuôi quay về phòng thấy đôi nhà Quỳnh lê lết cứ gọi là bôi thuốc với cả băng bó cho nhau. Nhưng vẫn còn cười hớn hở tý tởn lắm. Các chị em bắt đầu lục đục thay nhau vào phòng tắm. Các phòng đi lại rộn ràng, ý ới. Phòng nghỉ hơi bị xịn. 3 giường chăn ấm nệm êm. trung bình 6 người 1 phòng. Sạch sẽ, lịch sự. (Báo cáo lần này mình còn mang cả chăn riêng đi cơ, nhưng chăn ở đây quá sạch nên không cần phải lôi chăn của mình ra làm gì cả). Giá cả rất mềm 30K/1 người. Nói chung quá ổn cho cả đoàn nghỉ ngơi sau một chặng đường dài và nhiều gian khó.

Đêm, không còn nghe thấy tiếng mưa rào rào trên khu sân có che mái vòm. Trước khi đi ngủ phát hiện ra chị nào đó trong phòng có một bình nước lá. Uống thật ấm áp.

Còn đọng lại trong ký ức chỉ còn những điều như thế, trong đêm gặp gỡ đầu tiên với mọi người. Cho đến giờ, còn không nhớ hết tên, hết mặt. Viết lại chỉ để thử trí nhớ của mình thôi. Vì lúc nào mình cũng quay một vòng, lưu lại trong tâm trí mình những hình ảnh của những chuyến đi như những đoạn phim. Những đoạn phim tư liệu chưa qua biên tập.


___________________________________________

Lần này đi cả 3 điểm đến đều đẹp, đẹp như mơ. Chẳng tin vào mắt mình một Bản Giốc hoành tráng, nước li ti bắn lên mặt như mưa. Khoảng trời thênh thang xanh biếc nghiêng nghiêng bên cỏ. Chẳng tin vào mắt mình một Thăng Hen xanh ngắt bên vạt cỏ đầy hoa tím mênh mông, thanh bình những chú ngựa ngẩn ngơ gặm cỏ. Chẳng tin vào một động Ngườm Ngao hun hút gió ở cửa ra vào, lạnh như địa ngục, mà bước vào bên trong choáng ngợp bởi một sự khác biệt lạ thường. Trước khi vào nghĩ là chắc động nào cũng giống động nào thôi. Vào chỉ để mà vào. Nhưng rồi mọi thứ lại không như mình đã nghĩ. Đó chính là giá trị của sự khám phá.

Mỗi chuyến đi thú vị một kiểu. Mỗi ngày lại thêm yêu quê hương đất nước mình, thêm yêu những con đường xa lạ, với những người bạn chưa quen, mà rất đỗi gần gũi.

Chiều nay có người hỏi chúng mày có bị điên không mà chọn những chuyến đi nguy hiểm thế, sao ko đi ô tô, có gì thú vị trong những chuyến đi thế. Bảo là: anh sẽ có cảm giác thú vị nếu một người bạn ko quen biết chia cho anh một lon nước, một miếng bánh, dừng lại sửa xe cho anh, cổ vũ nếu anh đi được qua chặng đường khó, chạy vèo qua thị xã xa lạ mua cho anh một món quà sinh nhật. Thậm chí ngồi uống cà fê ở một thị trấn xa lạ, để bâng khuâng mơ về Hà Nội, "để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội, một chiều đông rét mướt..."

Chẳng ở đâu đẹp hơn nếu không có sự khám phá bản thân, khám phá những người xung quanh, khám phá những nơi chưa từng đến...

Đã đến mà chưa tới, đã đi mà chưa rời...Chắc là, cuộc sống và thiên nhiên vẫn còn nhiều bí ẩn lắm.

__________________________________________________

Tiếc là không thấy mưa

Tôi là một đứa sợ chết. Trước chuyến đi xa nào tôi cũng run rẩy vì cái chết, về những sự hiểm nguy, mất an toàn trên đường đi. Vốn là người cẩn thận nên tôi đã quyết định đi buổi chiều.

Bời vì đi buổi chiều nên tiếc là không thấy mưa. 8h30 lên đặt được phòng trọ cho mọi người thì mưa ầm ầm trên mái tôn. Thế là ko ra ngoài nữa, nằm ăn lương khô và đọc hết cuốn truyện Phía Nam biên giới, Phía tây mặt trời.

"Thế giới chúng ta đang sống có khác chi một sa mạc. Khi trời mưa, hoa nở, và khi trời không mưa, hoa héo. Bọn thằn lằn ăn côn trùng và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả sẽ chết và khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Đó là một quy luật tuyệt đối. Có nhiều cách sống và có nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc"

(Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời - Haruki Murakami)

Bởi vì là đi buổi chiều nên đã không biết mọi người đã vất vả trải qua một quãng đường đầy mưa, những cú trượt xe, những lần vá lốp hay phải đi gửi xe thế nào. Và khó lòng tưởng tượng được con đường gian nguy trong đêm tối, với khoảng thời gian không dám tin vào nữa: 1h30 phút mọi người mới tới nơi.

Bạn tôi bị đau. Tôi xót bạn cứ mắng thằng bồ của bạn. Rồi mắng cái sự không cẩn thận của bạn. Cứ như mình đi đâu cũng trang bị tận răng. Để rồi tiếc là không thấy mưa, không thấy khó khăn, không thấy quá trình người ta đi thế nào, chỉ thấy điểm đến. Thấy chuyến đi cứ trơn tuồn tuột, chẳng thấy khó khăn trở ngại gì.

Đành phải tự đuổi xế đi, một mình độc hành qua con đường khó, lấy chút trải nghiệm. Nếu không, lại cứ tiếc là chẳng có mưa để níu chân người...Ít ra thì bạn tôi, dẫu có ngã đau thì cũng hạnh phúc hơn tôi. Vì tôi đơn độc, vì tôi độc hành, một mình qua gian khó, ngậm ngùi...Có chăng may mắn vì còn thấy mưa trong lòng.

Người ta nói chẳng ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông, những tưởng không bao giờ gặp lại Du Già, thế mà con đường tới Tổng Cọt phải nói là một lát cắt ngắn của Du Già. Tuy nhiên, đi Du Già vào buổi trưa nắng gắt chỉ nghe thấy tiếng ong ong của nắng và núi rừng, lại ngồi sau xe anh xế nữa. Còn tôi thì một mình cầm lái, chạy một mình trong thời tiết buổi sáng mát lạnh vào da thịt như kem. Cũng phi xe qua một đoạn suối không bị xoè tẹo nào, phi xong thì hơi run. Lúc quay ra hồ Thăng Hen cũng phi lại chính con đường đó. Lúc đó tôi tự nhủ, chẳng ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông, và tôi biết chắc đường về tôi đi ko tốt bằng đường đi. Đúng thế, đường về tôi phi ẩu, mấy lần suýt xoè, toàn phi vào các vũng nước một cách vô tổ chức.

Những con đường vẫn thế, vẫn là những con đường vòng vèo, có cây, có lá, có hoa, có những khúc quanh hiểm trở hay đường vòng mềm mại. Chúng ta đi qua có đôi có lứa, hay đơn độc, bằng cách này hay bằng cách khác, thì cũng chỉ còn lại một điều: Những con đường và những chuyến xe qua. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, chẳng biết bên nào đẹp hơn, thôi thì cứ đi, đi thì sẽ đến....

Đoạn đường từ Trùng Khánh đi Cao Bằng đây :

_____________________________________________

Ở MỘT NƠI NÀO ĐÓ - RẤT XA

Tất cả mọi người dừng lại, vào một buổi trưa, ở một nơi nào đó, không biết.

Đó là một khoảng trống bên cạnh cái nhà kho bị bỏ quên thì phải, có cánh cửa sắt hoen rỉ và một khoảng sân rộng đầy cỏ. Mọi người dừng xe lại vệ đường. Buổi trưa rồi đấy, kiếm chỗ nào ăn thôi. Một số người, tất nhiên như thường lệ, kiếm chỗ để giải quyết nỗi buồn ở một nơi nào đó khuất khuất trong những bụi cây cao cao hoặc những bờ tường hoen ố mầu rêu.

Nắng lên, câu chuyện xôn xao xoay quanh quãng đường vừa đi, chia nhau những miếng bánh hoặc bịch sữa còn xót lại. Xe nhà Cường Ma Cô đặt ở giữa trung tâm của đám đông, một số người leo lên cưỡi thử, bàn luận, một số kẻ tạo dáng chụp ảnh.

Được một lúc, mấy xe nữa đi tới. Nghe chừng đội hình bị thay đổi nhiều, không hiểu vì sao Quỳnh nhảy lên xe anh Cường còn Hùng thì sau xe anh Lâm. Nghe chừng cãi nhau to chăng? Hoá ra không phải, lại xoè. Quả này nặng, không tên nào đi được, phải dìu nhau ngồi xuống bậc thềm trước cái cổng sắt rỉ. Đó là chuyện đến giờ mình cũng không thể tưởng tượng nổi vì sao điều đó lại xảy ra.

Rồi ký ức lại bị ngắt quãng, chẳng hiểu thế nào rồi cả lũ lại rồng rắn kéo nhau đi tiếp một đoạn không nhớ ngắn hay dài, để đến cái nhà trọ ở một nơi gọi là Trùng Khánh. Nhà trọ không đến nỗi tồi, thuộc loại bình dân, nhưng vấn đề nằm ở chỗ gọi là vệ sinh. Ở đâu người ta cũng đánh giá sự văn minh ở chỗ nhà tắm. Khi phòng vệ sinh mà không sạch sẽ thì không còn gì để nói hơn.

Tầng một của nhà trọ dành cho nơi để xe, nhét đủ xe của cả đoàn. Cầu thang vòng vèo một chút hơi điệu đà rồi cũng lên tới tầng ba. Mọi người ở kín trong 4 phòng tầng 3 và hình như phải lên cả tầng 4 nữa. Ở ngay đầu cầu thang lên có kê vài ghế salon rất êm mọi người có thể ngồi ngoài làm màn giao lưu giữa các phòng với nhau được.

Quỳnh bị đau nặng hơn cả nên hùng và Quỳnh quyết định ở lại nghỉ ngơi không đi tiếp nữa. Mọi người cùng nhau đi ăn trưa rồi chuẩn bị đường lên Bản Giốc luôn. Bữa ăn trưa khá ngon. Cũng không có ấn tượng gì đặc biệt lắm để kể. Tất cả đã sẵn sàng lên Bản Giốc, khi trời vừa hửng nắng lại lác đác vài giọt mưa.

Đường lên Bản Giốc khá đẹp. Đường bằng, không dốc, không quanh, không sóc, phi cứ veo veo, gặp một anh áo đỏ ngược chiều, hình như là người quen nhưng không nhớ..

Ở MỘT MIỀN CỔ TÍCH HÙNG VĨ VÀ THƠ MỘNG


Thế quái nào mình lại ở đây nhỉ. Lạ thật. Thưa mẹ, con đang ở Bản Giốc.

Ngỡ ngàng thế. Nắng ngập tràn. Thác nước xa xa trắng xoá. Cả hội dừng xe cạnh một cây cầu khỉ, đi qua đó, rồi đi men theo những bờ ruộng, hướng về phía thác nước. Những thửa ruộng vừa mới cấy. Lúa còn xanh tươi ngập trong những thửa ruộng mới được dẫn nước vào. Mặt trời cứ thoả thích chơi trò phản chiếu ánh sáng vào mắt những người đi qua đó. Chụp ảnh đi, chụp ảnh nào. Thích thế.

Nhầm rồi, đường vào Bản Giốc đường khác cơ.

Lại vòng ra, đi sâu vào bên trong hơn, đường gập gềnh một lúc. Có mấy con trâu gặp xe đi qua, hoảng hốt lao thẳng xuống ruộng lúa, thôi xong công các bác cấy cầy.

Cuối cùng thì cũng tới nơi. Thích nhất là tiếp cận đến bãi cỏ. Rộng lớn. Nước li ti bắn từ trên thác xuống mặt. Mà thác ở xa thế, cách mọi người qua một cái hồ rộng, qua mấy cây cầu, qua một bãi cỏ, thế mà nước li ti cũng chạm tới, như chạm tới cái sự mong manh của tâm hồn con người ấy. Chính vì cái hơi nước mát toả ra từ thác nước, cứ lất phất như mưa bụi, lại thấy hình như mình đang mơ ấy. Thế quái nào mà có mặt tại đây. Khó hiểu.

Tất cả mọi người tung tăng chạy khắp nơi. Người thì thích thú nằm bệt luôn ra bãi cỏ, người thì nhún nhảy tạo dáng trên những nhịp cầu phao. Càng tới gần thác, càng thấy thiên nhiên như một sự bí ẩn diệu kỳ.

Mọi người rủ nhau leo lên tầng trên cùng của thác. Leo phăm phăm. Cảm giác rất nóng. Cũng loanh quanh một hồi. Cũng phải qua một cái cầu khỉ, và tới gần thác nước hơn. Ngồi cạnh bên mầu trắng xoá của thác, chỉ nghe thấy tiếng nước cười vang, nhìn xa xăm xuống bên dưới, thấy một vùng nước mênh mông như đang đứng trong lòng cổ tích.

Ở bên dưới, đã có một vài người trong đoàn nằm trên thuyền, đi dọc miền cổ tích đó rồi. Đứng trên bờ vẫy mãi mà thuyền không vào được, vì mắc đá ở ven. Một vài người sang thác bên kia tắm. Một số người quay về ngả lưng bên vệ cỏ, ngắm mây trời.

Một mầu trời bên trên trong xanh ngăn ngắt. Một thác nước trước mặt trắng xoá. Nghiêng một bên là dòng sông xanh. Xa hơn nữa là mầu xanh của núi. Thật gần hơn là cỏ non dịu dàng.

Nằm nghiêng nghiêng chơi trò quay phim bằng cách xếp 2 bàn tay thành hình ô vuông, cho mắt mình quay "ống kính" một vòng, thấy hết được cả sự hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên. Thấy hết được cả sự bao la và tinh tế của từng dòng nước. Nước cuộn trào, nước êm đềm và nước nhỏ li ti li ti bắn vào không gian rộng lớn. Thích nhất là nước li ti dậu mềm trên tóc và trên má.

Hình như là mình đang mơ ấy. Lại thấy tiếng cười ríu ran của mọi người. Hình như không phải là mình mơ. Mẹ, con đang ở Bản Giốc. Mẹ có ngạc nhiên không.

Đã nhiều khi tôi muốn dửng dưng với cuộc sống.

Đang ngồi uống cà fê ở văn phòng, chợt nhớ ly cà fê ở thị trấn Cao Bằng với em Nhung và anh Hiếu. Anh Hiếu thật là người funny, có thể vào tắm trong vòng 2 phút trong khi người khác ngồi uống cà fê. Nhớ lúc cùng anh Hiếu đi mua dưa hấu cho mọi người, gặp chú Kilotu lang thang trong thị trấn. Hỏi đi đâu, trả lời, đi tìm cà fê. Đó là vào buổi trưa nắng gắt, khi chưa ai bỏ gì vào bụng. Hồi sáng, nếu không có một ngụm cà fê của Kilotu ở trong cái bình nước, chắc là không đủ tỉnh táo để chạy xe một mình. Ôi một ngụm cà fê hiếm hoi giữa núi rừng. Sao mà thèm thế.

Đã nhiều khi tôi muốn dửng dưng với cuộc sống. Với tôi, những chuyến đi xa chỉ để gặm nhấm sự cô đơn và dường như tôi chả bao giờ để ý tới bạn bè xung quanh mình lắm. Tôi quen những chuyến xe của Sinh cà fê chỉ có một mình mình nằm cô độc trên chiếc ghế dài, quàng qua mình chiếc áo đỏ. Lúc nào, mọi người cũng gọi tôi là Axôn với chiếc áo đỏ. Dường như tôi không quen cái gì không thân thuộc với mình. Đi là chỉ đi, để tìm một không gian khác, không mục đích...

Thường trong những chuyến đi không bao giờ tôi muốn nhớ rõ cụ thể điều gì, khônh bao giờ có chủ ý ghi chép lại điều gì, tôi thích mình enjoy một cách tự nhiên nhất, bằng cái vẻ hờ hững thường trực của mình. Lúc nào cũng có vẻ hờ hững lướt qua tất cả mọi thứ. Thế cho nên chỉ khổ những người đi cùng tôi, mặc dù là người quen thật đấy, nhưng tôi hờ hững với chính những người đồng hành cùng mình.

Tôi thường hay cười thầm mỗi khi ai đó vừa đi về kêu nhớ lắm những kỷ niệm khi đi xa. Tôi thường cho rằng đó là những cảm xúc bồng bột. Đó là sự háo hức tự nhiên của những người mới đi xa, đi du lịch bụi. Tất nhiên tôi cười thầm vì tôi thấy hay hay, vì đó là thứ cảm xúc trong trẻo của một ai đó mới tham gia một việc gì đó. Cái gì mới cũng làm họ thấy háo hức, vồ vập, nhiệt tình. Nhìn lại thấy mình không còn cảm xúc đó. Bởi vì mình đã quá quen với những cuộc hội ngộ chia ly. Nhớ chuyến đi bụi đầu tiên về, tôi cũng có những người bạn thân. Bọn tôi tíu tít chơi với nhau được 1 thời gian, sau đó cuộc đời mỗi người đi sang một ngã rẽ riêng. Mỗi chuyến đi ta có thêm những người bạn mới, nhưng rồi cuộc sống cứ xô người ta đi, thành ra tôi bắt đầu không muốn gây dựng bất cứ mối quan hệ nào sau những cuộc vui. Tôi luôn hờ hững với mọi cuộc vui đông người. Tôi ngại có những kỷ niệm đẹp để rồi một ngày ngậm ngùi nhớ lại, đó chỉ là kỷ niệm mà thôi. Đó là lý do tôi mặc kệ cuộc sống.

Khi ngồi viết ra điều này, tôi chợt nhận thấy một điều cực kỳ thú vị, và muốn chia sẻ, không biết có ai đồng cảm cùng không. Dạo này ngồi đọc blog của Nhím, tôi thấy nhớ chuyến đi Hà Giang - Lũng Cú vô cùng. Đó là chuyến đi tôi cũng hờ hững. Thực tế nhiều lần khi đi về tôi quay lại cuộc sống của mình ngay, không bao giờ vương vấn với núi, với rừng, với bạn bè không quen mình mới gặp. Kể cả chuyến đi Bản Giốc, khi đi về, tôi không muốn nhớ một tên ai. Tôi cũng không nghĩ là mình có thể viết được điều gì tại thời điểm khi tôi đi qua những con đường hoặc tôi dừng lại những điểm đến. Sự lạnh lùng với cuộc sống bao trùm lên tôi.

Nhưng rồi chính các bạn đã làm tôi ngạc nhiên. Rằng tôi đã từ từ muốn bộc bạch cảm xúc. Rằng tôi đã muốn nhớ tên các bạn. Dường như những gì tôi viết lại không bao giờ theo một trình tự xắp đặt trước nào, nó theo những gì còn đọng lại trong tôi. Dường như sau mỗi chuyến đi, có một điều gì đó tự nhiên mà con người ta gắn bó với nhau, chứ không phải có chủ ý gắn bó với nhau trên chặng đường. Có cái gì rất xa lạ, mà ngày từng ngày người ta chợt nhận ra, thật gần gũi. Nào tôi có định chơi với Nhím, với Dương, với Tâm, với Ngọc, với Cương, với Nguyên, với Giang, với Hạnh, với nhiều nhiều người nữa. Thế mà cứ tự nhiên, chợt một ngày tôi nhận ra, tôi đã có những người bạn quanh mình, mà khi nhấc điện thoại lên, bia nhé, cá ngựa nhé, một lúc là tụ tập được nhau...

Hôm trước tôi nói với em Giang, chị không thích vồ vập trong những mối quan hệ mới, chị có thể tặng em được một cuốn truyện, nhưng chị cần thời gian để chơi với em đã. Là nói thế, nhưng thực ra tôi chỉ luôn khoác trên mình một vẻ mặt lạnh lùng mà thôi, nếu có sự đồng điệu người ta nhiều khi chơi với nhau chẳng vì lý do gì.

Tôi chợt thấy, cuộc sống có lẽ thú vị nhất là sự tự nhiên của nó. Tôi không chủ ý chơi thân với các bạn. Nhưng tôi đã bắt đầu thấy quý các bạn rồi đấy. Cảm ơn các bạn, cảm ơn những chuyến đi.


OH YEAH...

9/9/07

Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe






Post lại cảm xúc chuyến đi Lũng Cú 30/4/07'





Chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe

Các anh chị em nhà mình đi về toàn viết làm của riêng post lên blog rồi lại đi paste đường link của các đoàn khác lên khen hay. Thế mới lạ cơ chứ lị.

Chiều nay em ra phố về thấy đời là những đam mê.

Em nhớ cái cảm giác sợ khi phải đi với 1 đoàn lạ không biết ai với ai nên phải lôi người quen đi cùng.

Em nhớ cảnh mọi người đi cùng nhau mà không nhớ hết mặt nhau, không nhớ hết tên nhau, đứng lại giữa đường điểm danh còn không biết tên người bị lạc.

Em nhớ cảnh trời mưa em ngồi ở bậc cầu thang của nhà kho, ngồi co ro trùm cái áo rét mầu đỏ, lặng im chẳng nói năng gì, nhắn tin loạn lên cho người quen trong đoàn mà mất sóng.

Em nhớ cảnh anh Nguyên anh Cương quần sắn móng lợn, đi dép lê, da xám ngoét đứng mút sữa dọc đường chờ tiếp tế xăng. Thật là những chàng trai đỏng đảnh.

Em nhớ đôi nhà Ruồi mắt to đổi xế cho nhau. Cũng như có lúc thấy Nhím phi xe vèo vèo trên những con đường phiêu lãng. Thật ra, trình độ lái xe của em thì không đến nỗi tồi. Em chỉ sợ anh Hải về không ngủ được nên tha. Chứ em mà cầm lái được một chút chắc giờ vẫn còn phê.

Em nhớ em đã hát rất nhiều trên những con đường đầy khó khăn và dường như chỉ có gió nghe thấy tiếng em hát. Đường lên Quản Bạ đầy sương mù giăng lối, như đi lên cổng trời, như đi sắp rơi xuống vực sâu, sao em vẫn có thể hát được? Chưa bao giờ em thấy có một con đường mà sự sống và cái chết chỉ nằm trong tích tắc với gió, với mưa, với vực thẳm, với những chiếc xe ô tô rú máy điên khùng giữa những mù sương.

Em nhớ nhà trọ yên bình giữa thị trấn chênh vênh, ngủ dậy còn không nhớ tên nhớ mặt em gái nằm cạnh. Nhớ bữa sáng vội vàng ăn giữa phòng, nhớ những hạt mưa tí tách vào ban sớm. Và em rất nhớ một giai điệu của một bài hát đã vô tình ngân lên, ở một khoảnh khắc nào đó, nhưng em vẫn còn nhớ...

Mới đến Quản Bạ thôi. Để mai em nhớ tiếp nhé...
19:41, 31/05/07

_______________________________

Đi đến đâu rồi không nhớ nữa. Người nghệ sĩ lang thang hoài trên núi, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.

KHông thể nhớ ngày thứ 2 mình đi chặng đường nào và đỗ tại đâu. Chỉ nhớ một thị trấn nhỏ xinh mọi thứ òa lên khi có sóng điện thoại. Không thể nào gọi điện được cho em Pet, cô em bé bỏng từ Hà Nội giờ này đang làm gì, ở đâu. Mãi mới gọi nói chuyện được đôi câu khi xe vừa cập đến đầu thị trấn với biển tên một nhà trọ to đùng.

Rồi những người xăng xái nhất trong đoàn đi hỏi tìm nhà. Có một số người vào nhà cổ chụp ảnh. Một số người lo đại tu con xe già sau chuyến đi dài đường núi. Còn lại ngồi phệt giữa lòng thị trấn chén xúc xích, dưa chuột, xoài xanh và tất tần tật những thứ gì có thể chén trong cái bao tài mầu xanh đã đồng hành cùng anh Dương trong suốt một ngày. Có nguy cơ mọi người sẽ phải ở trong những nhà trọ bừa bộn. Có nguy cơ mọi người sẽ ở trong nhà trọ không có nước. Có sao đâu. Thì có sao đâu. Alo, mẹ à. Con đang ở đâu đó, Đồng Văn hay sao ý chả nhớ. Vâng, à thì đi bằng ô tô. À thì thỉnh thoảng hứng lên cũng đi xe máy. Vâng. Không sao đâu ạ. Mẹ đừng lo.

Thế rồi cũng có nhà trọ. Có nước tắm. Có bữa cơm tối ngon lành với nhiều món lạ. Không nhớ món gì, rau xin xít chan chát, canh đỗ với gì rất ngon. Có đôi vợ chồng ông tây và mấy đứa con nhỏ ăn ở góc bên kia. Hay hay và ngộ nghĩnh.

Rồi chân sáo nhảy dăm ba điệu van trên đường từ quán ăn về nhà trọ, nhẹ nhàng nhón từng bước chân, chợt nhớ ra anh Hải đang đi sau. Đành xin lỗi vì anh Hải hôm nọ vừa biểu diễn đôi nhảy dẹp tại công ty. Chả nhẽ lại múa rìu qua mắt thợ. Nhớ là thị trấn về đêm rất lạnh, cái lạnh ngòn ngọt ngấm vào da thịt. Em sợ cái lạnh lùa vào tai vì em sẽ bị đau đầu, nhưng em không nhớ nổi hôm đó em có quàng một cái khăn đen trắng ngang vai không. Cái thị trấn yên bình quá nếu có ai nhảy điệu van với em giữa thị trấn thì thật là lãng mạn...Và tất nhiên, không kém phần điên rồ... (Chỉ là tưởng tượng mà thôi)

Nhà trọ đêm, những ván bài thâu đêm. Em không biết bao giờ mới kết thúc. Vì em đã ngủ, thật ra cũng không nhớ nổi, khi đó có thao thức điều gì không. Thật ra thì lúc đó chả có gì mà thao thức cả. Và hình như lại một em gái khác nằm chung giường. Đôi khi, em không nhớ những khuôn mặt lướt qua em trong từng chuyến đi, trừ khi, có điều gì đó thật sự ấn tượng, và đã bắt gặp 1 lần, sẽ thật khó quên...

Sớm hôm sau, cả đoàn đều có những chiếc khăn giống nhau, rồng rắn những mầu khăn rực rỡ nối đuôi nhau, trong nắng, trong gió, giữa núi rừng, với đầy hứng khởi chinh phục những con đường dài phía trước, dẫu không biết có gian nguy không, nhưng cũng hăm hở lên đường....
22:23, 01/06/07Về đầu trang
__________________

Dạo này trời nóng điên. Lúc nào cũng thấy người trong trạng thái giống hệt như trên đường đi Du Già. Tất cả mọi cảnh vật trong vắt trong nắng. Không một gợn gió, không một gợn mây. Chỉ có mầu xanh bất tận của những nương ngô dưới thung lũng và con đường gập ghềnh sỏi đá. Dù mưa, dù nắng, dù trời trong hay sương mù thì bất cứ nơi đâu trên thế gian này cũng đều có những con đường gian nan. Trong cơn say nắng đến lảo đảo, phải quây mọi thứ cho đỡ rát mặt, vẫn còn khao khát, vẫn còn thèm thuồng nhìn con đường phẳng lỳ phía dưới, đã sắp tới đích chưa. Hy vọng quá mà càng đi càng không thấy, chỉ có một con suối vắt ngang chẩy tràn trên đá, ai đó đã bỏ mặc chẳng chịu làm thành suối hẳn, cũng chẳng chịu làm nốt đường để đi...




Dường như những gì bạn đi lướt qua, không bao giờ làm bạn nhớ bằng khi dừng lại. Mặc dù những gì bạn lướt qua sẽ biết bao điều hùng vĩ, đẹp đẽ, mộng mơ mà bạn chưa thấy bao giờ. Nhưng nó không thể làm bạn nhớ nổi bạn đi qua bao nhiêu con đường, bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu thung lũng. Bạn chỉ nhớ những lúc bạn dừng chân, với những quán, những nhà trọ cũng bình dị và đơn sơ...


Và tất nhiên bạn nhớ cái quán ven đường giữa trưa nắng cạnh trường tiểu học Du Già. Mọi người xì xụp tự nấu cho nhau ăn những bát mỳ tôm nấu vội, chia nhau từng thanh xúc xích, từng miếng dưa, từng quả trứng...Rồi cùng nhau vượt qua bãi ngô, xuống suối nghịch nước...


Làm sao ký ức bạn lại nhớ như vậy, đơn giản, nó có sự va chạm của những tiếng cười trong trẻo, của những người bạn vui tính, trước lạ sau quen...Của hình tượng những con đường gập gềnh, những cơn nắng chói chang như đốt cháy tất cả, đốt cháy cả những ước mơ và khát vọng về cuộc sống trong bạn, nhưng bạn vẫn kiên cường đi về phía trước, trong niềm hy vọng, và những vòng tay bè bạn...



00:13, 03/06/07
________________________

Có nhiều khi tôi thấy rất buồn/ Tôi ước quanh mình mọc lên nắm cỏ

Tại sao không phải là bạn mà lại là tôi, nằm bên vệ đường trong một buổi chiều hoàng hôn ráng đỏ rực. Và tại sao chiếc áo khoác mầu đỏ luôn theo tôi rong ruổi trên khắp chiều dài của đất nước dù là đông hay hè. Trên những chuyến bay lạnh giá, tôi nhớ mình luôn khoác trùm lên vai một chiếc áo đỏ rực.

Tất nhiên, bạn chẳng kỳ quặc đến mức tự dưng ngả lưng bên vệ đường. Nhưng nếu trong bạn không có một sự tự nhiên, bạn sẽ không làm thế. Bạn sẽ ngồi gò bó thu lu một góc ngáp dài với cái lưng và một tâm hồn mỏi mệt ngồi xem lão Quân còi nhà Ruồi mắt to vá xe. Tất nhiên bạn cũng không đủ hứng để thốt lên một câu khen ngợi trình độ Pro của bạn Quân còi. Càng tất nhiên hơn khi bạn không thể chạy ra ríu rít đùa vui, đóng các cảnh chụp ảnh giả cùng các em mèo, em Vân, em Tâm và bạn Xuân. Tất nhiên bạn là bạn, nên bạn ngả lưng bên vệ đường ngủ bình yên và ngon lành, nghe thấy tiếng thì thầm của đất, của cỏ cây và cảm nhận được ánh trăng đang chênh chếch lên qua hàng cây phía bên kia cánh đồng.

Nếu không tự do, bạn sẽ không bao giờ làm vậy. Trong bạn lúc nào cũng có sự tự do đủ để giao cảm cùng với đất trời và bạn cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của bạn. Bạn không quan tâm bao giờ thì tới đích và làm cách nào thì tới đích, bạn chỉ quan tâm trên đường đi có điều gì ấn tượng để lại trong bạn. Tất nhiên (lại tất nhiên, nhưng có những điều nó phù hợp với quy luật của tự nhiên nên được gọi là tất nhiên) khi trăng lên trong rừng rất đẹp, với đường đèo quanh co. Và bạn cảm thương cho những tâm hồn khô cằn và nguyên tắc, thậm chí gò bó tới mức không dám cởi trói cho chính suy nghĩ của mình. Chúng ta có cần về kịp trước khi trời tối? Chúng ta có cần phải ăn một bữa ăn ngon và tắm một trận nưóc ấm đã đời sau những ngày mệt nhọc? Chúng ta có nhất thiết phải đi theo một lộ trình đã định và không đủ bình tĩnh để bình thản và lạc quan mỗi khi có sự va chạm của các yếu tố đổi thay ngoài cuộc sống?

Cuôọ sống đã dạy cho bạn sự bền bỉ, dẻo dai và bình thản đón nhận mọi biến cố xảy ra trên con đường đời, và mỗi chuyến đi xa chỉ là một lát cắt ngắn để bạn chiêm nghiệm lại cả chặng đường dài bạn bước trong cuộc đời. Tôi bình thản hát ca trên đoạn đường tối trở về Hà Giang. Đêm xuống và trăng lên ở sau rừng rất đẹp. Những cung đường ngoằn ngoèo và thanh vắng. Tôi ước tôi có thể truyền được sự lạc quan và cảm giác ưa thích mạo hiểm cho những người đồng hành cùng tôi. Bởi trong cuộc đời tôi biết nếu không ưa mạo hiểm bạn không dám làm bất cứ việc gì và không lạc quan bạn không bao giờ vượt qua được con đường mạo hiểm mà bạn đã chọn.

03/06/07

Đón đọc cuốn sách: Robocon - ươm mầm những ước mơ


Xuất bản cuối tháng 9.

Chủ biên: Đoàn Minh Hằng
Biên tập: Nguyễn Lan Anh

Nhà xuất bản văn học


Post bìa lên để bà con góp ý. Đang thiết kế lại. Bản cuối cùng sẽ ko phải là cái này đâu nhá.

31/8/07

Robocon và những giấc mơ



ROBOCON và những Giấc Mơ

(Viết tặng những người bạn Robot, tặng FXR, HTS, CBG và chị Hằng)

Tôi không chế tạo Robot, không tham gia cuộc thi Sáng tạo Robot năm nay và mãi về sau này cũng không khi nào tôi ghi danh trên cuộc đấu đó được. Tôi là con gái. Con gái làm kinh doanh, làm truyền thông chứ không làm kỹ thuật. Nhưng hôm nay, bây giờ tôi đang “làm Robot”, làm Robot để đi cho hết điều trăn trở: ROBOCON là gì?
Nhiều người hỏi vì sao tôi tham gia dự án FPT Bảo trợ Công nghệ ROBOCON Việt Nam 2007. Ít khi tôi trả lời vì tôi biết sẽ không nhiều người hiểu. Tôi đủ lớn để nhìn thấy sự giàu sang và hào nhoáng của người khổng lồ FPT, nhưng tôi không đứng bên họ trong dự án này vì sự hào nhoáng ấy. Tôi không đến với cuộc chơi này vì tiền, vì danh vọng, hay vì bất kỳ một điều gì đó như sự hứa hẹn cho tương lai. Tôi cũng không mong tìm thấy một sự bảo trợ quá cao sang từ ánh hào quang cho cuộc chơi năm nay. Bất kỳ ai làm công việc Bảo trợ này tôi cũng sẽ tình nguyện đứng bên họ như bây giờ tôi đang đứng bên những người trong dự án. Ai đứng ra đảm nhận trách nhiệm này không quan trọng, miễn là họ sẽ làm được điều gì, dù nhỏ thôi nhưng không phải là vô nghĩa.

Nhớ những ngày đầu, khi tôi chập chững đi những bước đầu tiên cùng dự án này, tôi tìm đến những cựu vô địch, những người đã từng tham gia Robot. Chúng tôi cần họ đứng bên chúng tôi trong cuộc chơi này. Khi đó, không nhiều người hiểu công việc của chúng tôi, họ hỏi tôi : “Em biết gì về Công nghệ mà đòi đi Bảo trợ?” Đúng, tôi không biết thiết kế mạch, không biết lập trình, không hiểu cơ khí, tôi cũng không biết trả lời các bạn thế nào khi các bạn gọi điện hỏi tôi về vi điều khiển… Tôi trả lời họ bằng chính nhiệt huyết của tôi với cuộc chơi này, họ hiểu tôi, họ tin và rồi họ coi tôi như một người bạn trong “Cộng đồng ROBOCON” của họ. Tôi không phải dân kỹ thuật nhưng tôi hiểu Robocon là gì. Tôi đang “học” để nhìn thấy những giá trị ẩn sau những thanh nhôm khô cứng, những mạch điện tử vô hồn trên Robot.

Tôi lăn lộn với Dự án đầu tiên vì tôi là bạn của những người làm robot ngày hôm qua. Vinh quang có, thất bại có, hạnh phúc tột đỉnh và nuối tiếc cũng nhiều. Có những sự nuối tiếc vì thất bại, đôi khi là nuối tiếc, là ân hận khi người ta đứng trên đỉnh cao của vinh quang và chiến thắng. Có những điều giá như, giá như ngày ấy không biết ROBOCON là gì, giá như ngày ấy không vô địch… Có những người ngày ấy không vô địch để bây giờ tiến xa hơn trên con đường họ chọn. Không biết có nên gọi đó là sự may mắn của số phận? Họ vẫn bước đi, mang theo những “giá như”, không phải giọt nước mắt nhưng vương vấn hoài niệm buồn của tuổi trẻ.

Bây giờ các bạn tôi không còn là thí sinh, họ không còn đi bên cuộc chơi nhưng họ bên tôi. Bạn bè tôi không cổ vũ tôi làm công việc này, họ cũng không đứng cùng tôi trên con đường tôi đang đi, nhưng họ biết tôi đang làm gì và làm vì cái gì. Vì tình yêu. Điều đơn giản nhất đôi khi lại là thứ phức tạp nhất mà người ta khó thấu tỏ… Có những lúc mệt mỏi, những lúc quá tải tôi muốn bỏ cuộc, tôi ước tôi quên hẳn ROBOCON, quên hẳn những cái tên liên quan đến nó như FXR, HTS, CBG,… Nhưng chỉ một câu nói thôi, tôi lại gồng mình lên đi tiếp: Em phải làm vì em hiểu ROBOCON là gì…
Tôi bắt gặp tuổi trẻ của bạn bè tôi trên gương mặt những “đứa” SV làm Robot năm nay. Tôi nhìn thấy ngày hôm qua của họ trong khoảnh khắc hôm nay, trẻ lắm, nhiều hoài bão lắm, đáng trân trọng lắm.

Năm bạn tôi làm Robot, bạn tôi 21 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ… Họ nghiệm ra rằng, tuổi 21 là tuổi đẹp nhất để làm Robot, kiến thức vừa tới, học hành không quá mệt mỏi như những năm tiếp sau và quan trọng là khi người ta 21 tuổi người ta dám sống với Robot bằng cả tâm hồn mình. 21 tuổi, lần đầu tiên tham gia cuộc chơi, người ta say mê vì tình yêu, không vướng bận nhiều những tính toán thắng thua.

Nhiều năm trôi qua, mọi thứ cũng đã thay đổi nhiều. Cuộc sống của bạn bè tôi bộn bề hơn, họ phải đối mặt với nhiều thứ khó khăn hơn trong cuộc sống, không còn nhiều chỗ cho ước mơ, cho hoài bão, ngông cuồng và bồng bột. Tôi cũng thế, vài năm nữa chắc chắn tôi cũng sẽ không làm việc gì tương tự như bây giờ, không dám nói thẳng một câu: “Em làm không phải vì tiền!” như bây giờ... Bây giờ, tôi sắp tròn 21 tuổi, tôi sống nhiều vì tình yêu.

Robocon mang đến cho tôi nhiều thứ hơn là một cuộc chơi mà tôi là kẻ ngoài cuộc. Tôi thấu hiểu hơn những tình bạn được tìm thấy, được nâng niu từ bộn bề nhôm sắt, những tình bạn còn đi theo người ta đến hết cuộc đời. Tôi hiểu khoa học có nghĩa là sự kế thừa, người sau bước tiếp con đường mà người hôm qua vỡ hoang, khai khẩn. Bạn bè tôi hôm qua tự vẽ mạch bằng tay, tự ngâm để hôm nay các bạn lớp sau biết cách có những mạch “pro” hơn rất nhiều mà không phải “hì hụi” nhiều như thế… Tôi hiểu hơn giọt nước mắt rơi lại bước chân hiện tại từ đỉnh vinh quang của quá khứ, vòng nguyệt quế phủ mây vẫn như một điều gì nhức nhối cho đến tận hôm nay…

Có người nói với tôi, giá trị duy nhất của ROBOCON chỉ là những giấc Mơ. Điều này có thể đúng, chúng tôi đang mơ. Chúng tôi đang cùng nhau đi hết giấc mơ con trẻ để dám bước chân đến những giấc mơ của người lớn, dám mơ và dám sống cho những giấc mơ ngông cuồng, đôi khi hơi dại dột của tuổi trẻ…

Em Pét sún

30/8/07

Truyện ngắn của Đoàn Minh Hằng



Hôm nay ngồi search, lại ra cái này

http://vantuyen.net/index.php?view=author&id=1709

Tặng em bé IRAC



Tặng em bé IRAC

Mẹ ơi đây chữ gì?
Là từ “bom” con ạ
Mẹ ơi “bom” là gì?
Chờ ngày mai Mỹ thả.

Mắt trong như biển cả
Em bé ngơ ngác nhìn
“Bom” là điều gì lạ
Có đẹp như cánh chim?

Đêm buông xuống im lìm
Má hồng em áp gối
Trong mơ em thầm gọi
Những “cánh bom dịu hiền”

Em mơ đến một miền
Ngãn chim bồ câu trắng
Những “cánh bom” trong nắng
Lung linh bao niềm vui

Đêm đã qua lâu rồi
Sao em không tỉnh dậy?
Mỹ thả bom xuống rồi
Sao em không nhìn thấy?


Sao em không thức dậy?
Nước mắt mẹ rơi hoài
Bat-đa rừng rực cháy
Bom thả vào gối em.

ĐOÀN MINH HẰNG

tháng 5/2003.

28/8/07

Một góc nhìn về sân chơi Robocon sau vòng Robocon ABU

Vậy là cuộc thi RBC đã trải qua một chặng đường 6 năm, một khoảng thời gian không phải là dài nhưng nó cũng đủ giúp tôi có nhiều cảm nhận về nó, những cảm xúc trái ngược nhau.
Năm 2002, tôi mới chỉ là một đứa học sinh lớp 11, xem chương trình RBC lúc đó cũng chưa có ấn tượng gì lắm. Nhưng theo thời gian, cuộc thi đã thực sự cuốn hút tôi, cũng một phần bố tôi cũng là một chỉ đạo viên của một đội RBC. Tôi mơ sau này đậu vào Đại học rồi cũng sẽ làm Robocon. Lúc đấy, cái cảm giác chinh phục đỉnh cao kia là một điều gì đó quá tuyệt vời.
Vào Đại học, tôi theo sát cuộc thi Robocon. Lúc đấy, chiếc áo thi đấu Robocon mà bố tôi cho là một niềm vinh dự. Năm BK Pro vô địch toàn quốc, tôi đi cổ vũ Robocon không thiếu trận nào mặc dù lúc đó đang là kì thi.

Năm 3, trường và khoa phát động tham gia cuộc thi sáng tạo RBC, tôi tham gia với niềm hứng khởi. Cũng trong năm này, bố tôi không trực tiếp đứng ra làm chỉ đạo viên nữa bởi ông nghĩ đây là một cuộc thi phong trào, chỉ nên để SV tham gia để học hỏi mà thôi. Ông khuyên tôi chỉ nên tham gia RBC ở một chừng mực nào đấy, nghiên cứu về Tự động hóa và Điều khiển mới là hướng phát triển lâu dài. Lão anh họ tôi cũng khuyên như vậy, RBC chỉ là cái ao tù, Robotic mới là biển rộng. Tôi ngang bướng, bởi cái viễn cảnh kia nó choán hết đầu tôi mặc dù tôi cũng tự xác định rằng : “Chiến thắng chỉ là tương đối, đó chỉ là mục đích của mọi đội tuyển đặt ra để lấy động lực tham gia RBC thôi. Cả trăm đội tuyển tranh đấu chỉ để giành lấy một chức vô địch kia mà không biết chúng ta sẽ phải trả giá gì sau đó ? Đối với tôi, chiến thắng là kinh nghiệm và bạn bè”.

Tôi đem một cái nhìn lạc quan vào RBC, mà đúng, làm việc gì mà không lạc quan thì thà bỏ quách ngay từ đầu còn hơn. Và thực sự quá trình làm Robot là những ngày tháng không thể nào quên. Khó khăn đủ điều và hẳn những ai đã từng tham gia có lẽ cũng phải đối mặt với nó. Chúng tôi vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, từ từ đi lên bằng những khoản tiền thưởng từ những cuộc thi đấu loại trong trường. Chúng tôi lạc quan về việc vượt qua vòng loại khu vực để thẳng tiến đến vòng chung kết toàn quốc. Những ngày cuối cùng trước khi vòng loại khu vực diễn ra là những ngày quên ăn quên ngủ.

Vòng loại khu vực...chúng tôi bị loại, thua ngay trận đầu tiên bởi chính cái chiến thuật mà mình dự định “tặng” cho đối thủ, nghĩ mà thấy khôi hài ! Robot của chúng tôi bị trục trặc và dù có gỡ lại bằng trận thắng sau đó cũng không thể thay đổi được tình hình.
Thất vọng là cái cảm giác đầu tiên trên gương mặt những đàn anh, bỏ ra nhiều công sức để rồi thu được thất bại này đây.

Tôi dần nhận ra mặt trái của Robocon, nó lấy đi của ta quá nhiều thời gian. Lời mà lão anh họ tôi bảo giờ lại lởn vởn trong đầu : “RBC chỉ là cái cớ chính đáng để chú qua đêm ở ngoài mà thôi”.

Những đàn anh tham gia RBC, bây giờ ra trường, mặc dù khả năng chuyên môn có thừa nhưng mà ngoại ngữ không tốt do đầu tư quá nhiều thời gian vào RBC, cũng chỉ có thể kiếm được một công việc tạm được. Chính đội trưởng đã khuyên tôi đừng tham gia RBC nữa mà hay chuyên tâm vào việc học Vi điều khiển.

Qua cuộc thi ABU tổ chức tại Việt Nam lần này, tôi càng nhận thấy nhiều điều đằng sau RBC. Nó không còn là cái gì đó quá ghê gớm nữa. Các bạn theo dõi RBC thì sẽ rõ, cuộc thi này về chuyên môn có thể nói là không thể nào hấp dẫn bằng cuộc thi toàn quốc. Tôi vỡ mộng. Việt Nam thua, tôi không quá buồn. Đây có lẽ cũng là khoảng nghỉ để chúng ta có cái nhìn định hướng đúng đắn hơn về RBC. Tại sao chúng ta lại bỏ nhiều tiền bạc, công sức của cả trăm đội như vậy để rồi kết quả thu được chỉ là vô địch trước những đội bình thường ? Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước rất mạnh về điện tử và tự động hóa, họ mà đem công nghệ đi thi đấu thì làm sao đến lượt chúng ta ? Chúng ta có thể tự hào về sự nhanh trí, linh hoạt trong đấu pháp thi đấu nhưng chúng ta đừng ngủ quên trên chiến thắng !
Theo cá nhân tôi, RBC không còn là một sân chơi công nghệ nữa mà đã hơi hướng sang phong trào. Vì sao? Công nghệ từ năm trước đến năm sau là thay đổi không nhiều. Kết cấu cơ khí và mạch điện tử chỉ kế thừa của những năm trước, chỉ thay đổi chút ít để phù hợp với đề thi mà thôi, còn không thì bê nguyên xi. Chúng ta chẳng có cái gì mới mẻ cả, vậy thì làm sao mà phát triển được ? Theo tôi, mùa RBC năm nay có một thứ mới duy nhất : Công nghệ xử lí ảnh.

Một mùa RBC mới nữa lại bắt đầu. Không còn tham gia RBC nữa, nhưng tôi vẫn sẽ theo sát nó bởi tình yêu RBC của tôi là không bao giờ thay đổi !

-KID-

(Bài viết của một bạn sinh viên xin được giấu tên)

HÃY COI ROBOCON LÀ NƠI BẮT ĐẦU

1. Khúc ca bi tráng

Đội tuyển VN lỗi hẹn tại sân nhà trong Vòng chung kết Robocon khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2007 (Robocon ABU 2007) đã để lại sự tiếc nuối của bao người hâm mộ. Đã có những nỗi buồn, đã có những giọt nước mắt rơi, và nhiều sự tiếc nuối. Ba phút thi đấu trên sân quá nhanh không thể phản ánh được hết bao nỗi nhọc nhằn, bao nỗ lực và sự đam mê sáng tạo của các đội tuyển. Cả hai đội của VN thực sự rất mạnh trong giải đấu này, Robot di chuyển khá linh hoạt và thường tạo nên sự sôi động khi ra sàn đấu. Chung kết Robocon ABU 2007 không có nhiều đội tuyển quá mạnh, thậm chí nhiều trận đấu khá tẻ nhạt, một số các đội tuyển hầu như không ghi được điểm nào. Khán giả đi xem tỏ vẻ đầy tiếc nuối vì giải Chung kết Robocon trong nước diễn ra sôi động và nhiều kịch tính hơn. So với các nước khác, chỉ ở VN mới tổ chức thi đấu giải trong nước rầm rộ đến nghẹt thở. Robocon VN thực sự là sàn đấu của các anh tài 3 miền. Theo như Hà Huy Hưng của BK Fire (2005) sân chơi Robocon đã tạo nên những khúc ca bi tráng. Nhiều khi chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm trời, ra sân đấu chỉ vì một chút sơ xuất nhỏ, có thể dẫn đến những thất bại đáng tiếc mà không thể có cơ hội gỡ lại được. Như Dũng “đại bàng” của Power of love (2004) người đã từng nghiên cứu cả sử thi Hy Lạp để tạo cho mình những con Robot mang dáng dấp của các vị thần Venus, Odixe, Cupid, Meduzo cũng đã từng cạo đầu sau khi thua cuộc vì một lỗi rất nhỏ trên sân. “Nếu bạn chỉ đứng 3 phút trên sân thi đấu, bạn sẽ không thể nào hiểu hết về Robocon”. Một người bạn Robocon đã từng nói vậy. Cũng như năm 2003, 2005 và năm nay 2007 đội tuyển VN lại ghi thêm vào trang sử Robocon VN một khúc ca bi tráng. Nếu như năm 2003, đội tuyển BKCT của VN đặc biệt gây ấn tượng trong lòng bạn bè Quốc tế bởi nỗi kinh hoàng mang tên “Sam 5” đã hạ gục Robot “Hươu cao cổ” của Nhật Bản, năm nay hai đội tuyển VN cũng đã trở thành nỗi kinh hoàng của các đội tuyển Quốc tế bằng chiến thắng Victory Island trong tích tắc.

2. Đừng đổ lỗi thua vì công nghệ

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng VN thua vì công nghệ kém Trung Quốc. VN không giấu giếm sự tiếc nuối khi nhìn những thông số kỹ thuật và những linh kiện trang bị đắt tiền trên Robot của Trung Quốc. Nhưng hãy thử nhìn lại những chiến thắng của VN trên trường Quốc tế trong nhiều năm trước. Đã có rất nhiều những câu chuyện ngạc nhiên và bất ngờ của bạn bè Quốc tế trước chiến thắng đẹp đẽ của VN tưởng chừng như trong mơ. Năm 2002 Telematic đã chiến thắng Nhật, chiến thắng Trung Quốc bởi những con Robot đi còn chưa vững,chỉ là mấy thanh nhôm vắt qua vắt lại. Họ không hiểu nổi tại sao bóng được giữ và thả ra tự nhiên đến vậy. Bí quyết nằm ở những sợi dây thun mỏng manh - cơ chế bỏ bóng đơn giản mà hiệu quả của Telematic. Năm 2004, Hải Linh (FXR) không thể giấu nổi niềm thích thú khi kể câu chuyện “cần câu Trung Quốc hại người Trung Quốc”. Năm đó các bạn đã sử dụng cần câu Trung Quốc mua ở chợ dể chế tạo Robot và mang sang đấu trường Quốc tế thắng lại đội Trung Quốc. TS Ngô Thái Trị trưởng ban giám khảo Robocon VN cho biết “Về mặt công nghệ, VN không thể bằng Nhật Bản hay Trung Quốc. Để dành chiến thắng, theo tôi cần có 3 yếu tố: thứ nhất là mặt bằng đào tạo về các lĩnh vực , thứ hai là giải pháp kỹ thuật để giải bài toán mà đề thi ra, cuối cùng là chiến thuật thi đấu. Tôi cho rằng chiến thuật thi đấu là yếu tố quan trọng quyết định để VN chiến thắng. Năm 2006, Bách khoa TPHCM thắng đội tuyển Nhật Bản nhờ chiến thuật của chúng ta hơn hẳn đội bạn. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, năm nay, chúng ta đã có sự cải tiến hơn hẳn.”

Đúng vậy, với những năm trước, nay về mặt công nghệ Robot của VN có sự cải tiến hơn hẳn. Trước tiên đó là sự kế thừa những tinh hoa Robot của 3 miền. Sau đó là sự quan tâm của các ban ngành, của bộ Giáo dục và đào tạo và nhiều nhà tài trợ tới 2 đội tuyển Việt Nam. Về sự chuẩn bị, Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều so với các đội tuyển của các nước khác vì là chủ nhà nên thời gian tập luyện được nhiều hơn. Công ty FPT ngoài hỗ trợ một khoản kinh phí không nhỏ cho 2 đội tuyển nâng cấp Robot, đã tạo điều kiện xây dựng sân tập, tổ chức giải FPT OPEN CUP trước vòng thi Robocon ABU cho các đội tuyển miền nam và miền bắc cọ xát với VN1,VN2. Ròng rã suốt hai tháng trời 2 đội tuyển đã ăn ở và luyện tập tại trường đại học Công nghiệp để hiệu chỉnh và bàn bạc chiến thuật. Ông Trần Đăng Tuấn, Phó tổng giám dốc Đài THVN, trưởng ban tổ chức Robocon cho biết “Vịêt Nam thua vì không thể đánh giá hết các khả năng của đội bạn. Thi đấu bao giờ cũng có ba yếu tố: công nghệ + chiến thuật + may mắn. Tôi không nghĩ đội Việt Nam thiếu cái gì cả, những đội bị loại không hẳn đã là đội yếu.”

3. Hãy coi Robocon là nơi bắt đầu:

Rất nhiều người lầm tưởng rằng 3 lần Robocon VN đăng quang trên trường Quốc tế tạo nên một đẳng cấp về chế tạo Robot của ta ở tầm cỡ thế giới. Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc hiện đang nghiên cứu về công nghệ xây dựng tại Nhật Bản cho biết “Những nhận định này xuất phát từ sự tự hào về trí tuệ VN khi lần đầu tiên các bạn trẻ bước ra sân chơi lớn mà đã đạt được thành tích cao nhất. Tuy nhiên cõ lẽ vì thiếu thông tin về Robocon nên những nhận định đó hơi đi quá xa, vì ai cũng biết khoa học và công nghệ liên quan đến Robot của VN mới thực sự ở giai đoạn manh nha. Cần hiểu chính xác rằng đây chỉ là một cuộc chơi của sinh viên, và BTC đã khéo léo tạo ra một cuộc chơi mà ý tưởng đóng vai trò quan trọng hơn công nghệ, xóa đi sự chênh lệch đẳng cấp về công nghệ chế tạo Robot.”

Rất nhiều sinh viên của ta sau khi đã tham gia sân chơi hoặc khi đi học ở nước ngoài nhận thấy rằng ở nước ngoài Robocon chỉ là một sân chơi nhỏ trong các cuộc thi về Robot. “ Robocon không phải là cuộc thi robot duy nhất ở Malaysia, ngoài robocon còn có Robofest khá nổi tiếng với yêu cầu công nghệ và kỹ thuật tương đối cao.” Hoàng Trường Sơn, cựu Robocon hiện đang là lưu học sinh tại Malaysia cho biết. Còn Nguyễn Bá Hải, cũng đã từng tham gia Robocon, hiện đang học tại Hàn Quốc rất hứng thú khi kể về các cuộc thi về Robot tại Hàn như : Humanoid–Robot (Các robot giống người, điều khiển bằng wireless); hoặc cuộc thi F1 (cuộc thi chế tạo và làm lại các mô hình xe đua F1 theo kiến thức và khả năng)…

Rất nhiều các cựu thành viên sau khi tham gia sân chơi Robocon đang miệt mài đối mặt với các bài toán của cuộc sống. Sân chơi Robocon có nhiều cái hay, có nhiều cái thú vị vì nó khuyến khích sinh viên tự tìm tòi, sáng tạo và giải các bài toán cho một đề bài đã ra trước. Nhưng những bài toán ngoài cuộc sống, những bài toán về ứng dụng công nghệ trong thực tế, những bài toán về niềm tự hào VN về kinh tế và khoa học trên trường Quốc tế đòi hỏi tuổi trẻ VN cần nỗ lực hơn nữa để tự ra đề và tự giải quyết các vấn đề. Nó khó khăn hơn gấp nhiều lần cuộc chơi Robocon.

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc cho rằng “Bất luận kết quả thế nào, điều lớn nhất các bạn đạt được có thể không phải là giải thưởng mà là cơ hội để tìm tòi học hỏi, phối hợp với nhau trong một nhóm, và sự tập trung cao độ trong cuộc thi sẽ tạo thói quen tốt trong nghiên cứu và sáng tạo. Khi Robocon kết thúc, công việc của các bạn, với tư cách là các kỹ sư và nhà khoa học tương lai, mới thực sự bắt đầu. Đó chính là một Robocon thực sự lớn hơn và nhiều thử thách. Vì vậy, hãy coi Robocon là nơi bắt đầu, chứ đừng coi đó là sự kết thúc.”

Đoàn Minh Hằng

25/8/07

Lá thư của cô Hà

Một lần nữa Cô bé Hằng lại gọi với giọng thiết tha của chất giọng Hà Nội chứa chan nghị lực: “Cô ơi cô đã viết cho em chưa?”. Tôi cảm thấy thực sự có lỗi trước Hằng, em đã nhắc tôi về lời tôi đã hứa khá lâu sẽ viết bài về Robocon của trường ĐHSPKT và về suy nghĩ của tôi về cuộc thi Robocon Châu Á Thái Bình Dương.

Tôi phải chắp bút viết ngay đây để không sai hẹn trước một cô bé bản lĩnh và đầy ước vọng. Chỉ vài lần trao đổi và 1 lần gặp em được nghe em kể về công việc của em ở FPT tôi cảm thấy thích thú trước một ý tưởng và 1 quyết tâm của cô gái tốt nghiệp ngành Nhật ngữ và công việc này gần như đặt cho cô bé một vấn đề khác hẳn với những gì em được trang bị ở trường đại học. Em hào hứng kể cho tôi nghe về công việc mới đầy thú vị của em tại FPT em kể về “Sếp trực tiếp” của mình với lòng tin , niềm khâm phục tuyệt đối và em tự hào khi có “Sếp tuyệt vời” như vậy . Em còn kể cho tôi về những kế họach tương lai em định làm trong lãnh vực nghe tưởng chừng như rất khô khan và máy móc “Robocon” này .

Tôi quý em và tôi tin em sẽ làm được và sẽ thành công trong dự định của mình .

Trở lại với công việc em đã yêu cầu, tôi xin được trình bày cảm xúc và những nhận xét chủ quan từ góc độ một nhà giáo, 1 người có tham gia vào tổ chức , một thành viên trong ban giám khảo của cuộc thi vòng loại khu vực phía Nam và cũng là …1 chỉ đạo viên cũng không ít lần cùng các sinh viên bàn luận thiết kế và đã từng hồi hộp với nụ cười và cả nước mắt trong cuộc thi hấp dẫn này.

…. Từ những kỷ niệm của Robocon:

Có những kỷ niệm khó quên của cuộc thi ‘ cầu mây chinh phục không gian “ một đội sinh viên khoa In của trường – trong cuộc thi vòng loại khu vực phía nam vì các sinh viên của đội đã chế tạo Robot tại nhà và hôm đi thi từ Thủ Đức lên thành phố các em đã không thuê được xe tải phải thuê taxi , những chú Robot tay quá dài nên tạm được “ gỡ xếp tay chân lại “ khi đến sân thi lắp ráp lại thì cuộc thi đã kết thúc ! Nhin các em nuớc mắt lưng tròng Ban tổ chức và nhất là giáo viên của trường cũng không nén được cảm xúc.

Những đêm thức trắng chuẩn bị cho cuộc thi và những buổi tranh cãi nảy lửa và cả những buổi làm hòa khi thấy Robot thực hiện được những nhiệm vụ theo kế họach là kỷ niệm không quên đối với các sinh viên tham gia cuộc chơi. Để bảo vệ chăm sóc cho những chú Robot thông minh các em đều nâng niu và che chở rất kỹ lưởng nào may áo che bụi năng và che mưa , đóng đế và hộp để khi chuyên chở không làm va chạm.

Và có lần đến dự cuộc thi vòng lọai trời đổ mưa , gặp các em ở trần ôm các robot được bọc kỹ bằng áo của các em từ tắc xi chạy vào nhà thi đấu . Gặp tôi các em ngượng ngùng nói –“ tụi e m có áo thi đấu khô cô a . Chúng em không ốm đâu? , Cái chính là Robot không sao cô nhỉ “. Tất cả mồ hôi và công sức của thầy và trò đã được các chú Robot rất thông minh này hình như biết ý và “trả công” bằng những hành trình ngọan mục theo đúng ý của chủ nhân trong những khi luyện tập tại sân nhà. Không hiểu sao khi ra sân thi đấu bên cạnh những chú Robot thông minh ngoan ngõan áy còn có không ít những chú bướng bỉnh không chịu nghe lời hoặc cứ lỳ ra không thích đi hoặc dường như sợ hãi ai đó mà chẳng chịu động đậy. Có chú robot tự động còn nổi nóng phun lửa phì phì làm các chú khác cũng sợ cuống lên và đi lạc lung tung.

….đến suy ngẫm về cuộc thi Robocon:

Cuộc chơi nào cũng phải kết thúc và các em lại bước vào cuộc thi quan trọng nhiều gian nan và quyết định không nhỏ đến tương lai của các em đó là thi lại, thi các môn học các em phải lùi lại so với tiến độ của nhà trường. Nhà Trường hàng năm phải cho phép gần trăm sinh viên xin nhận điểm I và thi lại các môn của học kỳ hai, điều này đã gây không ít khó khăn cho nhà trường trong công tác tổ chức và cho bản thân sinh viên làm ảnh hưởng đến gia đình của sinh viên khi thời gian học của các em kéo dài hơn. Rất nhiều sinh viên phải bắt buộc từ bỏ cuộc chơi mặc dù tích lũy rất nhiều kinh nghiệm thi đấu nhưng vì việc học vì tương lai của chính các em nên đành tiếc nuối tạm biệt những chú robot và không tham dự vào cuộc chơi. Và đã có những trường hợp vì tham gia cuộc thi Robocon mà hết thời gian học tập trong đại học và như vậy kết thúc của cuộc chơi Robocon đã không có hậu.
Từ thực tế đó tôi thiết nghĩ ban tổ chức nên thay đối một chút kế hoạch thi như sau : tháng 10 ,11 thường là chủ đề của cuộc thi đã có, nên tổ chức vào tháng 4 cho vòng loại các khu vực. Riêng tháng 05 và 06 hãy để thời gian cho các em thi cử và thực hiện nốt kế họach của học kỳ và thời gian từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 tổ chức thi tòan quốc. 1 tháng còn lại đội tuyển đại diện của VN có đủ thời gian chỉnh trang sửa chữa Robot chuẩn bị lên đường vào tháng 09 , dự thi vòng Châu Á Thái bình dương .

Tiến sĩ Trần Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý khoa học Quan hệ quốc tế và sau đại học, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM

Đêm đã khuya lắm rồi, nhưng cô cảm thấy rất dễ chịu và không hề mệt mỏi khi viết lại những kỷ niệm và suy ngẫm này cho em Hằng ạ. Cô tưởng tượng nụ cười rất tươi của em khi nhận thư của cô mặc dù không biết bài viết này có đúng nội dung như em kỳ vọng không ?Nếu đúng thì tốt còn nếu không thì cô chịu thôi vì cô là giáo viên dạy kỹ thuật có lẽ viết không hay lắm đâu. Cô chúc em nhiều nghị lực để thành công hơn nữa trong công việc có liên quan đến ROBO… em nhé.

Buổi sáng lên đỉnh Fanxipang


Buổi sáng lên đỉnh Fanxipang

Buổi sáng ấy
Trời đầy sương
Và tôi lầm lụi buớc
Có người phía trước
Có người sau tôi
Rừng trúc âm u
găng tay ướt hết rồi
tóc ướt
áo ướt
Và tôi vẫn hát
Cuộc đời cũng giống như bản nhạc
thăng trầm những buồn vui

Buổi sáng ấy tôi đi qua những núi đồi
trập trùng đá
bồng bềnh mây
san sát những hàng cây
lênh kênh những phiến đá trơn trên dòng suối
Đó là buổi sáng bước chân tôi rong ruổi
qua đêm dài bớt nhức nhối hơn

Tôi đi qua những con đường trơn
Tôi ngồi trên cỏ mục
Tôi đu tay trên cành trúc
Tôi rẽ cỏ ven đường
Tôi ngậm những giọt sương
Tôi vịn vào những đôi tay bè bạn

Và tôi luôn hát
không cần ai nghe
không cần núi rừng nghe
chỉ cần thấy tôi hạnh phúc
tôi tự tôi thúc giục
tự an ủi mình đi
tự nghe tiếng thầm thì
của trái tim đơn độc

Thế rồi sau mệt nhọc
Tôi thấy mình mạnh hơn
Chẳng điều chi có thể cản đường
Con đường tôi đã chọn
Những nghĩ suy nhỏ mọn
nằm tít dưới thung sâu
Rừng núi rực một mầu
Xanh bạt ngàn kiêu hãnh

Tôi đứng trong gió lạnh
Giữa bầu trời bao la
Ngước mắt nhìn rất xa
Tôi thấy mình vụt lớn

Đoàn Minh Hằng 5/2005