28/8/07

HÃY COI ROBOCON LÀ NƠI BẮT ĐẦU

1. Khúc ca bi tráng

Đội tuyển VN lỗi hẹn tại sân nhà trong Vòng chung kết Robocon khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2007 (Robocon ABU 2007) đã để lại sự tiếc nuối của bao người hâm mộ. Đã có những nỗi buồn, đã có những giọt nước mắt rơi, và nhiều sự tiếc nuối. Ba phút thi đấu trên sân quá nhanh không thể phản ánh được hết bao nỗi nhọc nhằn, bao nỗ lực và sự đam mê sáng tạo của các đội tuyển. Cả hai đội của VN thực sự rất mạnh trong giải đấu này, Robot di chuyển khá linh hoạt và thường tạo nên sự sôi động khi ra sàn đấu. Chung kết Robocon ABU 2007 không có nhiều đội tuyển quá mạnh, thậm chí nhiều trận đấu khá tẻ nhạt, một số các đội tuyển hầu như không ghi được điểm nào. Khán giả đi xem tỏ vẻ đầy tiếc nuối vì giải Chung kết Robocon trong nước diễn ra sôi động và nhiều kịch tính hơn. So với các nước khác, chỉ ở VN mới tổ chức thi đấu giải trong nước rầm rộ đến nghẹt thở. Robocon VN thực sự là sàn đấu của các anh tài 3 miền. Theo như Hà Huy Hưng của BK Fire (2005) sân chơi Robocon đã tạo nên những khúc ca bi tráng. Nhiều khi chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm trời, ra sân đấu chỉ vì một chút sơ xuất nhỏ, có thể dẫn đến những thất bại đáng tiếc mà không thể có cơ hội gỡ lại được. Như Dũng “đại bàng” của Power of love (2004) người đã từng nghiên cứu cả sử thi Hy Lạp để tạo cho mình những con Robot mang dáng dấp của các vị thần Venus, Odixe, Cupid, Meduzo cũng đã từng cạo đầu sau khi thua cuộc vì một lỗi rất nhỏ trên sân. “Nếu bạn chỉ đứng 3 phút trên sân thi đấu, bạn sẽ không thể nào hiểu hết về Robocon”. Một người bạn Robocon đã từng nói vậy. Cũng như năm 2003, 2005 và năm nay 2007 đội tuyển VN lại ghi thêm vào trang sử Robocon VN một khúc ca bi tráng. Nếu như năm 2003, đội tuyển BKCT của VN đặc biệt gây ấn tượng trong lòng bạn bè Quốc tế bởi nỗi kinh hoàng mang tên “Sam 5” đã hạ gục Robot “Hươu cao cổ” của Nhật Bản, năm nay hai đội tuyển VN cũng đã trở thành nỗi kinh hoàng của các đội tuyển Quốc tế bằng chiến thắng Victory Island trong tích tắc.

2. Đừng đổ lỗi thua vì công nghệ

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng VN thua vì công nghệ kém Trung Quốc. VN không giấu giếm sự tiếc nuối khi nhìn những thông số kỹ thuật và những linh kiện trang bị đắt tiền trên Robot của Trung Quốc. Nhưng hãy thử nhìn lại những chiến thắng của VN trên trường Quốc tế trong nhiều năm trước. Đã có rất nhiều những câu chuyện ngạc nhiên và bất ngờ của bạn bè Quốc tế trước chiến thắng đẹp đẽ của VN tưởng chừng như trong mơ. Năm 2002 Telematic đã chiến thắng Nhật, chiến thắng Trung Quốc bởi những con Robot đi còn chưa vững,chỉ là mấy thanh nhôm vắt qua vắt lại. Họ không hiểu nổi tại sao bóng được giữ và thả ra tự nhiên đến vậy. Bí quyết nằm ở những sợi dây thun mỏng manh - cơ chế bỏ bóng đơn giản mà hiệu quả của Telematic. Năm 2004, Hải Linh (FXR) không thể giấu nổi niềm thích thú khi kể câu chuyện “cần câu Trung Quốc hại người Trung Quốc”. Năm đó các bạn đã sử dụng cần câu Trung Quốc mua ở chợ dể chế tạo Robot và mang sang đấu trường Quốc tế thắng lại đội Trung Quốc. TS Ngô Thái Trị trưởng ban giám khảo Robocon VN cho biết “Về mặt công nghệ, VN không thể bằng Nhật Bản hay Trung Quốc. Để dành chiến thắng, theo tôi cần có 3 yếu tố: thứ nhất là mặt bằng đào tạo về các lĩnh vực , thứ hai là giải pháp kỹ thuật để giải bài toán mà đề thi ra, cuối cùng là chiến thuật thi đấu. Tôi cho rằng chiến thuật thi đấu là yếu tố quan trọng quyết định để VN chiến thắng. Năm 2006, Bách khoa TPHCM thắng đội tuyển Nhật Bản nhờ chiến thuật của chúng ta hơn hẳn đội bạn. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, năm nay, chúng ta đã có sự cải tiến hơn hẳn.”

Đúng vậy, với những năm trước, nay về mặt công nghệ Robot của VN có sự cải tiến hơn hẳn. Trước tiên đó là sự kế thừa những tinh hoa Robot của 3 miền. Sau đó là sự quan tâm của các ban ngành, của bộ Giáo dục và đào tạo và nhiều nhà tài trợ tới 2 đội tuyển Việt Nam. Về sự chuẩn bị, Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều so với các đội tuyển của các nước khác vì là chủ nhà nên thời gian tập luyện được nhiều hơn. Công ty FPT ngoài hỗ trợ một khoản kinh phí không nhỏ cho 2 đội tuyển nâng cấp Robot, đã tạo điều kiện xây dựng sân tập, tổ chức giải FPT OPEN CUP trước vòng thi Robocon ABU cho các đội tuyển miền nam và miền bắc cọ xát với VN1,VN2. Ròng rã suốt hai tháng trời 2 đội tuyển đã ăn ở và luyện tập tại trường đại học Công nghiệp để hiệu chỉnh và bàn bạc chiến thuật. Ông Trần Đăng Tuấn, Phó tổng giám dốc Đài THVN, trưởng ban tổ chức Robocon cho biết “Vịêt Nam thua vì không thể đánh giá hết các khả năng của đội bạn. Thi đấu bao giờ cũng có ba yếu tố: công nghệ + chiến thuật + may mắn. Tôi không nghĩ đội Việt Nam thiếu cái gì cả, những đội bị loại không hẳn đã là đội yếu.”

3. Hãy coi Robocon là nơi bắt đầu:

Rất nhiều người lầm tưởng rằng 3 lần Robocon VN đăng quang trên trường Quốc tế tạo nên một đẳng cấp về chế tạo Robot của ta ở tầm cỡ thế giới. Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc hiện đang nghiên cứu về công nghệ xây dựng tại Nhật Bản cho biết “Những nhận định này xuất phát từ sự tự hào về trí tuệ VN khi lần đầu tiên các bạn trẻ bước ra sân chơi lớn mà đã đạt được thành tích cao nhất. Tuy nhiên cõ lẽ vì thiếu thông tin về Robocon nên những nhận định đó hơi đi quá xa, vì ai cũng biết khoa học và công nghệ liên quan đến Robot của VN mới thực sự ở giai đoạn manh nha. Cần hiểu chính xác rằng đây chỉ là một cuộc chơi của sinh viên, và BTC đã khéo léo tạo ra một cuộc chơi mà ý tưởng đóng vai trò quan trọng hơn công nghệ, xóa đi sự chênh lệch đẳng cấp về công nghệ chế tạo Robot.”

Rất nhiều sinh viên của ta sau khi đã tham gia sân chơi hoặc khi đi học ở nước ngoài nhận thấy rằng ở nước ngoài Robocon chỉ là một sân chơi nhỏ trong các cuộc thi về Robot. “ Robocon không phải là cuộc thi robot duy nhất ở Malaysia, ngoài robocon còn có Robofest khá nổi tiếng với yêu cầu công nghệ và kỹ thuật tương đối cao.” Hoàng Trường Sơn, cựu Robocon hiện đang là lưu học sinh tại Malaysia cho biết. Còn Nguyễn Bá Hải, cũng đã từng tham gia Robocon, hiện đang học tại Hàn Quốc rất hứng thú khi kể về các cuộc thi về Robot tại Hàn như : Humanoid–Robot (Các robot giống người, điều khiển bằng wireless); hoặc cuộc thi F1 (cuộc thi chế tạo và làm lại các mô hình xe đua F1 theo kiến thức và khả năng)…

Rất nhiều các cựu thành viên sau khi tham gia sân chơi Robocon đang miệt mài đối mặt với các bài toán của cuộc sống. Sân chơi Robocon có nhiều cái hay, có nhiều cái thú vị vì nó khuyến khích sinh viên tự tìm tòi, sáng tạo và giải các bài toán cho một đề bài đã ra trước. Nhưng những bài toán ngoài cuộc sống, những bài toán về ứng dụng công nghệ trong thực tế, những bài toán về niềm tự hào VN về kinh tế và khoa học trên trường Quốc tế đòi hỏi tuổi trẻ VN cần nỗ lực hơn nữa để tự ra đề và tự giải quyết các vấn đề. Nó khó khăn hơn gấp nhiều lần cuộc chơi Robocon.

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc cho rằng “Bất luận kết quả thế nào, điều lớn nhất các bạn đạt được có thể không phải là giải thưởng mà là cơ hội để tìm tòi học hỏi, phối hợp với nhau trong một nhóm, và sự tập trung cao độ trong cuộc thi sẽ tạo thói quen tốt trong nghiên cứu và sáng tạo. Khi Robocon kết thúc, công việc của các bạn, với tư cách là các kỹ sư và nhà khoa học tương lai, mới thực sự bắt đầu. Đó chính là một Robocon thực sự lớn hơn và nhiều thử thách. Vì vậy, hãy coi Robocon là nơi bắt đầu, chứ đừng coi đó là sự kết thúc.”

Đoàn Minh Hằng

Không có nhận xét nào: