31/8/07

Robocon và những giấc mơ



ROBOCON và những Giấc Mơ

(Viết tặng những người bạn Robot, tặng FXR, HTS, CBG và chị Hằng)

Tôi không chế tạo Robot, không tham gia cuộc thi Sáng tạo Robot năm nay và mãi về sau này cũng không khi nào tôi ghi danh trên cuộc đấu đó được. Tôi là con gái. Con gái làm kinh doanh, làm truyền thông chứ không làm kỹ thuật. Nhưng hôm nay, bây giờ tôi đang “làm Robot”, làm Robot để đi cho hết điều trăn trở: ROBOCON là gì?
Nhiều người hỏi vì sao tôi tham gia dự án FPT Bảo trợ Công nghệ ROBOCON Việt Nam 2007. Ít khi tôi trả lời vì tôi biết sẽ không nhiều người hiểu. Tôi đủ lớn để nhìn thấy sự giàu sang và hào nhoáng của người khổng lồ FPT, nhưng tôi không đứng bên họ trong dự án này vì sự hào nhoáng ấy. Tôi không đến với cuộc chơi này vì tiền, vì danh vọng, hay vì bất kỳ một điều gì đó như sự hứa hẹn cho tương lai. Tôi cũng không mong tìm thấy một sự bảo trợ quá cao sang từ ánh hào quang cho cuộc chơi năm nay. Bất kỳ ai làm công việc Bảo trợ này tôi cũng sẽ tình nguyện đứng bên họ như bây giờ tôi đang đứng bên những người trong dự án. Ai đứng ra đảm nhận trách nhiệm này không quan trọng, miễn là họ sẽ làm được điều gì, dù nhỏ thôi nhưng không phải là vô nghĩa.

Nhớ những ngày đầu, khi tôi chập chững đi những bước đầu tiên cùng dự án này, tôi tìm đến những cựu vô địch, những người đã từng tham gia Robot. Chúng tôi cần họ đứng bên chúng tôi trong cuộc chơi này. Khi đó, không nhiều người hiểu công việc của chúng tôi, họ hỏi tôi : “Em biết gì về Công nghệ mà đòi đi Bảo trợ?” Đúng, tôi không biết thiết kế mạch, không biết lập trình, không hiểu cơ khí, tôi cũng không biết trả lời các bạn thế nào khi các bạn gọi điện hỏi tôi về vi điều khiển… Tôi trả lời họ bằng chính nhiệt huyết của tôi với cuộc chơi này, họ hiểu tôi, họ tin và rồi họ coi tôi như một người bạn trong “Cộng đồng ROBOCON” của họ. Tôi không phải dân kỹ thuật nhưng tôi hiểu Robocon là gì. Tôi đang “học” để nhìn thấy những giá trị ẩn sau những thanh nhôm khô cứng, những mạch điện tử vô hồn trên Robot.

Tôi lăn lộn với Dự án đầu tiên vì tôi là bạn của những người làm robot ngày hôm qua. Vinh quang có, thất bại có, hạnh phúc tột đỉnh và nuối tiếc cũng nhiều. Có những sự nuối tiếc vì thất bại, đôi khi là nuối tiếc, là ân hận khi người ta đứng trên đỉnh cao của vinh quang và chiến thắng. Có những điều giá như, giá như ngày ấy không biết ROBOCON là gì, giá như ngày ấy không vô địch… Có những người ngày ấy không vô địch để bây giờ tiến xa hơn trên con đường họ chọn. Không biết có nên gọi đó là sự may mắn của số phận? Họ vẫn bước đi, mang theo những “giá như”, không phải giọt nước mắt nhưng vương vấn hoài niệm buồn của tuổi trẻ.

Bây giờ các bạn tôi không còn là thí sinh, họ không còn đi bên cuộc chơi nhưng họ bên tôi. Bạn bè tôi không cổ vũ tôi làm công việc này, họ cũng không đứng cùng tôi trên con đường tôi đang đi, nhưng họ biết tôi đang làm gì và làm vì cái gì. Vì tình yêu. Điều đơn giản nhất đôi khi lại là thứ phức tạp nhất mà người ta khó thấu tỏ… Có những lúc mệt mỏi, những lúc quá tải tôi muốn bỏ cuộc, tôi ước tôi quên hẳn ROBOCON, quên hẳn những cái tên liên quan đến nó như FXR, HTS, CBG,… Nhưng chỉ một câu nói thôi, tôi lại gồng mình lên đi tiếp: Em phải làm vì em hiểu ROBOCON là gì…
Tôi bắt gặp tuổi trẻ của bạn bè tôi trên gương mặt những “đứa” SV làm Robot năm nay. Tôi nhìn thấy ngày hôm qua của họ trong khoảnh khắc hôm nay, trẻ lắm, nhiều hoài bão lắm, đáng trân trọng lắm.

Năm bạn tôi làm Robot, bạn tôi 21 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ… Họ nghiệm ra rằng, tuổi 21 là tuổi đẹp nhất để làm Robot, kiến thức vừa tới, học hành không quá mệt mỏi như những năm tiếp sau và quan trọng là khi người ta 21 tuổi người ta dám sống với Robot bằng cả tâm hồn mình. 21 tuổi, lần đầu tiên tham gia cuộc chơi, người ta say mê vì tình yêu, không vướng bận nhiều những tính toán thắng thua.

Nhiều năm trôi qua, mọi thứ cũng đã thay đổi nhiều. Cuộc sống của bạn bè tôi bộn bề hơn, họ phải đối mặt với nhiều thứ khó khăn hơn trong cuộc sống, không còn nhiều chỗ cho ước mơ, cho hoài bão, ngông cuồng và bồng bột. Tôi cũng thế, vài năm nữa chắc chắn tôi cũng sẽ không làm việc gì tương tự như bây giờ, không dám nói thẳng một câu: “Em làm không phải vì tiền!” như bây giờ... Bây giờ, tôi sắp tròn 21 tuổi, tôi sống nhiều vì tình yêu.

Robocon mang đến cho tôi nhiều thứ hơn là một cuộc chơi mà tôi là kẻ ngoài cuộc. Tôi thấu hiểu hơn những tình bạn được tìm thấy, được nâng niu từ bộn bề nhôm sắt, những tình bạn còn đi theo người ta đến hết cuộc đời. Tôi hiểu khoa học có nghĩa là sự kế thừa, người sau bước tiếp con đường mà người hôm qua vỡ hoang, khai khẩn. Bạn bè tôi hôm qua tự vẽ mạch bằng tay, tự ngâm để hôm nay các bạn lớp sau biết cách có những mạch “pro” hơn rất nhiều mà không phải “hì hụi” nhiều như thế… Tôi hiểu hơn giọt nước mắt rơi lại bước chân hiện tại từ đỉnh vinh quang của quá khứ, vòng nguyệt quế phủ mây vẫn như một điều gì nhức nhối cho đến tận hôm nay…

Có người nói với tôi, giá trị duy nhất của ROBOCON chỉ là những giấc Mơ. Điều này có thể đúng, chúng tôi đang mơ. Chúng tôi đang cùng nhau đi hết giấc mơ con trẻ để dám bước chân đến những giấc mơ của người lớn, dám mơ và dám sống cho những giấc mơ ngông cuồng, đôi khi hơi dại dột của tuổi trẻ…

Em Pét sún

30/8/07

Truyện ngắn của Đoàn Minh Hằng



Hôm nay ngồi search, lại ra cái này

http://vantuyen.net/index.php?view=author&id=1709

Tặng em bé IRAC



Tặng em bé IRAC

Mẹ ơi đây chữ gì?
Là từ “bom” con ạ
Mẹ ơi “bom” là gì?
Chờ ngày mai Mỹ thả.

Mắt trong như biển cả
Em bé ngơ ngác nhìn
“Bom” là điều gì lạ
Có đẹp như cánh chim?

Đêm buông xuống im lìm
Má hồng em áp gối
Trong mơ em thầm gọi
Những “cánh bom dịu hiền”

Em mơ đến một miền
Ngãn chim bồ câu trắng
Những “cánh bom” trong nắng
Lung linh bao niềm vui

Đêm đã qua lâu rồi
Sao em không tỉnh dậy?
Mỹ thả bom xuống rồi
Sao em không nhìn thấy?


Sao em không thức dậy?
Nước mắt mẹ rơi hoài
Bat-đa rừng rực cháy
Bom thả vào gối em.

ĐOÀN MINH HẰNG

tháng 5/2003.

28/8/07

Một góc nhìn về sân chơi Robocon sau vòng Robocon ABU

Vậy là cuộc thi RBC đã trải qua một chặng đường 6 năm, một khoảng thời gian không phải là dài nhưng nó cũng đủ giúp tôi có nhiều cảm nhận về nó, những cảm xúc trái ngược nhau.
Năm 2002, tôi mới chỉ là một đứa học sinh lớp 11, xem chương trình RBC lúc đó cũng chưa có ấn tượng gì lắm. Nhưng theo thời gian, cuộc thi đã thực sự cuốn hút tôi, cũng một phần bố tôi cũng là một chỉ đạo viên của một đội RBC. Tôi mơ sau này đậu vào Đại học rồi cũng sẽ làm Robocon. Lúc đấy, cái cảm giác chinh phục đỉnh cao kia là một điều gì đó quá tuyệt vời.
Vào Đại học, tôi theo sát cuộc thi Robocon. Lúc đấy, chiếc áo thi đấu Robocon mà bố tôi cho là một niềm vinh dự. Năm BK Pro vô địch toàn quốc, tôi đi cổ vũ Robocon không thiếu trận nào mặc dù lúc đó đang là kì thi.

Năm 3, trường và khoa phát động tham gia cuộc thi sáng tạo RBC, tôi tham gia với niềm hứng khởi. Cũng trong năm này, bố tôi không trực tiếp đứng ra làm chỉ đạo viên nữa bởi ông nghĩ đây là một cuộc thi phong trào, chỉ nên để SV tham gia để học hỏi mà thôi. Ông khuyên tôi chỉ nên tham gia RBC ở một chừng mực nào đấy, nghiên cứu về Tự động hóa và Điều khiển mới là hướng phát triển lâu dài. Lão anh họ tôi cũng khuyên như vậy, RBC chỉ là cái ao tù, Robotic mới là biển rộng. Tôi ngang bướng, bởi cái viễn cảnh kia nó choán hết đầu tôi mặc dù tôi cũng tự xác định rằng : “Chiến thắng chỉ là tương đối, đó chỉ là mục đích của mọi đội tuyển đặt ra để lấy động lực tham gia RBC thôi. Cả trăm đội tuyển tranh đấu chỉ để giành lấy một chức vô địch kia mà không biết chúng ta sẽ phải trả giá gì sau đó ? Đối với tôi, chiến thắng là kinh nghiệm và bạn bè”.

Tôi đem một cái nhìn lạc quan vào RBC, mà đúng, làm việc gì mà không lạc quan thì thà bỏ quách ngay từ đầu còn hơn. Và thực sự quá trình làm Robot là những ngày tháng không thể nào quên. Khó khăn đủ điều và hẳn những ai đã từng tham gia có lẽ cũng phải đối mặt với nó. Chúng tôi vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, từ từ đi lên bằng những khoản tiền thưởng từ những cuộc thi đấu loại trong trường. Chúng tôi lạc quan về việc vượt qua vòng loại khu vực để thẳng tiến đến vòng chung kết toàn quốc. Những ngày cuối cùng trước khi vòng loại khu vực diễn ra là những ngày quên ăn quên ngủ.

Vòng loại khu vực...chúng tôi bị loại, thua ngay trận đầu tiên bởi chính cái chiến thuật mà mình dự định “tặng” cho đối thủ, nghĩ mà thấy khôi hài ! Robot của chúng tôi bị trục trặc và dù có gỡ lại bằng trận thắng sau đó cũng không thể thay đổi được tình hình.
Thất vọng là cái cảm giác đầu tiên trên gương mặt những đàn anh, bỏ ra nhiều công sức để rồi thu được thất bại này đây.

Tôi dần nhận ra mặt trái của Robocon, nó lấy đi của ta quá nhiều thời gian. Lời mà lão anh họ tôi bảo giờ lại lởn vởn trong đầu : “RBC chỉ là cái cớ chính đáng để chú qua đêm ở ngoài mà thôi”.

Những đàn anh tham gia RBC, bây giờ ra trường, mặc dù khả năng chuyên môn có thừa nhưng mà ngoại ngữ không tốt do đầu tư quá nhiều thời gian vào RBC, cũng chỉ có thể kiếm được một công việc tạm được. Chính đội trưởng đã khuyên tôi đừng tham gia RBC nữa mà hay chuyên tâm vào việc học Vi điều khiển.

Qua cuộc thi ABU tổ chức tại Việt Nam lần này, tôi càng nhận thấy nhiều điều đằng sau RBC. Nó không còn là cái gì đó quá ghê gớm nữa. Các bạn theo dõi RBC thì sẽ rõ, cuộc thi này về chuyên môn có thể nói là không thể nào hấp dẫn bằng cuộc thi toàn quốc. Tôi vỡ mộng. Việt Nam thua, tôi không quá buồn. Đây có lẽ cũng là khoảng nghỉ để chúng ta có cái nhìn định hướng đúng đắn hơn về RBC. Tại sao chúng ta lại bỏ nhiều tiền bạc, công sức của cả trăm đội như vậy để rồi kết quả thu được chỉ là vô địch trước những đội bình thường ? Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước rất mạnh về điện tử và tự động hóa, họ mà đem công nghệ đi thi đấu thì làm sao đến lượt chúng ta ? Chúng ta có thể tự hào về sự nhanh trí, linh hoạt trong đấu pháp thi đấu nhưng chúng ta đừng ngủ quên trên chiến thắng !
Theo cá nhân tôi, RBC không còn là một sân chơi công nghệ nữa mà đã hơi hướng sang phong trào. Vì sao? Công nghệ từ năm trước đến năm sau là thay đổi không nhiều. Kết cấu cơ khí và mạch điện tử chỉ kế thừa của những năm trước, chỉ thay đổi chút ít để phù hợp với đề thi mà thôi, còn không thì bê nguyên xi. Chúng ta chẳng có cái gì mới mẻ cả, vậy thì làm sao mà phát triển được ? Theo tôi, mùa RBC năm nay có một thứ mới duy nhất : Công nghệ xử lí ảnh.

Một mùa RBC mới nữa lại bắt đầu. Không còn tham gia RBC nữa, nhưng tôi vẫn sẽ theo sát nó bởi tình yêu RBC của tôi là không bao giờ thay đổi !

-KID-

(Bài viết của một bạn sinh viên xin được giấu tên)

HÃY COI ROBOCON LÀ NƠI BẮT ĐẦU

1. Khúc ca bi tráng

Đội tuyển VN lỗi hẹn tại sân nhà trong Vòng chung kết Robocon khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2007 (Robocon ABU 2007) đã để lại sự tiếc nuối của bao người hâm mộ. Đã có những nỗi buồn, đã có những giọt nước mắt rơi, và nhiều sự tiếc nuối. Ba phút thi đấu trên sân quá nhanh không thể phản ánh được hết bao nỗi nhọc nhằn, bao nỗ lực và sự đam mê sáng tạo của các đội tuyển. Cả hai đội của VN thực sự rất mạnh trong giải đấu này, Robot di chuyển khá linh hoạt và thường tạo nên sự sôi động khi ra sàn đấu. Chung kết Robocon ABU 2007 không có nhiều đội tuyển quá mạnh, thậm chí nhiều trận đấu khá tẻ nhạt, một số các đội tuyển hầu như không ghi được điểm nào. Khán giả đi xem tỏ vẻ đầy tiếc nuối vì giải Chung kết Robocon trong nước diễn ra sôi động và nhiều kịch tính hơn. So với các nước khác, chỉ ở VN mới tổ chức thi đấu giải trong nước rầm rộ đến nghẹt thở. Robocon VN thực sự là sàn đấu của các anh tài 3 miền. Theo như Hà Huy Hưng của BK Fire (2005) sân chơi Robocon đã tạo nên những khúc ca bi tráng. Nhiều khi chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm trời, ra sân đấu chỉ vì một chút sơ xuất nhỏ, có thể dẫn đến những thất bại đáng tiếc mà không thể có cơ hội gỡ lại được. Như Dũng “đại bàng” của Power of love (2004) người đã từng nghiên cứu cả sử thi Hy Lạp để tạo cho mình những con Robot mang dáng dấp của các vị thần Venus, Odixe, Cupid, Meduzo cũng đã từng cạo đầu sau khi thua cuộc vì một lỗi rất nhỏ trên sân. “Nếu bạn chỉ đứng 3 phút trên sân thi đấu, bạn sẽ không thể nào hiểu hết về Robocon”. Một người bạn Robocon đã từng nói vậy. Cũng như năm 2003, 2005 và năm nay 2007 đội tuyển VN lại ghi thêm vào trang sử Robocon VN một khúc ca bi tráng. Nếu như năm 2003, đội tuyển BKCT của VN đặc biệt gây ấn tượng trong lòng bạn bè Quốc tế bởi nỗi kinh hoàng mang tên “Sam 5” đã hạ gục Robot “Hươu cao cổ” của Nhật Bản, năm nay hai đội tuyển VN cũng đã trở thành nỗi kinh hoàng của các đội tuyển Quốc tế bằng chiến thắng Victory Island trong tích tắc.

2. Đừng đổ lỗi thua vì công nghệ

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng VN thua vì công nghệ kém Trung Quốc. VN không giấu giếm sự tiếc nuối khi nhìn những thông số kỹ thuật và những linh kiện trang bị đắt tiền trên Robot của Trung Quốc. Nhưng hãy thử nhìn lại những chiến thắng của VN trên trường Quốc tế trong nhiều năm trước. Đã có rất nhiều những câu chuyện ngạc nhiên và bất ngờ của bạn bè Quốc tế trước chiến thắng đẹp đẽ của VN tưởng chừng như trong mơ. Năm 2002 Telematic đã chiến thắng Nhật, chiến thắng Trung Quốc bởi những con Robot đi còn chưa vững,chỉ là mấy thanh nhôm vắt qua vắt lại. Họ không hiểu nổi tại sao bóng được giữ và thả ra tự nhiên đến vậy. Bí quyết nằm ở những sợi dây thun mỏng manh - cơ chế bỏ bóng đơn giản mà hiệu quả của Telematic. Năm 2004, Hải Linh (FXR) không thể giấu nổi niềm thích thú khi kể câu chuyện “cần câu Trung Quốc hại người Trung Quốc”. Năm đó các bạn đã sử dụng cần câu Trung Quốc mua ở chợ dể chế tạo Robot và mang sang đấu trường Quốc tế thắng lại đội Trung Quốc. TS Ngô Thái Trị trưởng ban giám khảo Robocon VN cho biết “Về mặt công nghệ, VN không thể bằng Nhật Bản hay Trung Quốc. Để dành chiến thắng, theo tôi cần có 3 yếu tố: thứ nhất là mặt bằng đào tạo về các lĩnh vực , thứ hai là giải pháp kỹ thuật để giải bài toán mà đề thi ra, cuối cùng là chiến thuật thi đấu. Tôi cho rằng chiến thuật thi đấu là yếu tố quan trọng quyết định để VN chiến thắng. Năm 2006, Bách khoa TPHCM thắng đội tuyển Nhật Bản nhờ chiến thuật của chúng ta hơn hẳn đội bạn. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, năm nay, chúng ta đã có sự cải tiến hơn hẳn.”

Đúng vậy, với những năm trước, nay về mặt công nghệ Robot của VN có sự cải tiến hơn hẳn. Trước tiên đó là sự kế thừa những tinh hoa Robot của 3 miền. Sau đó là sự quan tâm của các ban ngành, của bộ Giáo dục và đào tạo và nhiều nhà tài trợ tới 2 đội tuyển Việt Nam. Về sự chuẩn bị, Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều so với các đội tuyển của các nước khác vì là chủ nhà nên thời gian tập luyện được nhiều hơn. Công ty FPT ngoài hỗ trợ một khoản kinh phí không nhỏ cho 2 đội tuyển nâng cấp Robot, đã tạo điều kiện xây dựng sân tập, tổ chức giải FPT OPEN CUP trước vòng thi Robocon ABU cho các đội tuyển miền nam và miền bắc cọ xát với VN1,VN2. Ròng rã suốt hai tháng trời 2 đội tuyển đã ăn ở và luyện tập tại trường đại học Công nghiệp để hiệu chỉnh và bàn bạc chiến thuật. Ông Trần Đăng Tuấn, Phó tổng giám dốc Đài THVN, trưởng ban tổ chức Robocon cho biết “Vịêt Nam thua vì không thể đánh giá hết các khả năng của đội bạn. Thi đấu bao giờ cũng có ba yếu tố: công nghệ + chiến thuật + may mắn. Tôi không nghĩ đội Việt Nam thiếu cái gì cả, những đội bị loại không hẳn đã là đội yếu.”

3. Hãy coi Robocon là nơi bắt đầu:

Rất nhiều người lầm tưởng rằng 3 lần Robocon VN đăng quang trên trường Quốc tế tạo nên một đẳng cấp về chế tạo Robot của ta ở tầm cỡ thế giới. Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc hiện đang nghiên cứu về công nghệ xây dựng tại Nhật Bản cho biết “Những nhận định này xuất phát từ sự tự hào về trí tuệ VN khi lần đầu tiên các bạn trẻ bước ra sân chơi lớn mà đã đạt được thành tích cao nhất. Tuy nhiên cõ lẽ vì thiếu thông tin về Robocon nên những nhận định đó hơi đi quá xa, vì ai cũng biết khoa học và công nghệ liên quan đến Robot của VN mới thực sự ở giai đoạn manh nha. Cần hiểu chính xác rằng đây chỉ là một cuộc chơi của sinh viên, và BTC đã khéo léo tạo ra một cuộc chơi mà ý tưởng đóng vai trò quan trọng hơn công nghệ, xóa đi sự chênh lệch đẳng cấp về công nghệ chế tạo Robot.”

Rất nhiều sinh viên của ta sau khi đã tham gia sân chơi hoặc khi đi học ở nước ngoài nhận thấy rằng ở nước ngoài Robocon chỉ là một sân chơi nhỏ trong các cuộc thi về Robot. “ Robocon không phải là cuộc thi robot duy nhất ở Malaysia, ngoài robocon còn có Robofest khá nổi tiếng với yêu cầu công nghệ và kỹ thuật tương đối cao.” Hoàng Trường Sơn, cựu Robocon hiện đang là lưu học sinh tại Malaysia cho biết. Còn Nguyễn Bá Hải, cũng đã từng tham gia Robocon, hiện đang học tại Hàn Quốc rất hứng thú khi kể về các cuộc thi về Robot tại Hàn như : Humanoid–Robot (Các robot giống người, điều khiển bằng wireless); hoặc cuộc thi F1 (cuộc thi chế tạo và làm lại các mô hình xe đua F1 theo kiến thức và khả năng)…

Rất nhiều các cựu thành viên sau khi tham gia sân chơi Robocon đang miệt mài đối mặt với các bài toán của cuộc sống. Sân chơi Robocon có nhiều cái hay, có nhiều cái thú vị vì nó khuyến khích sinh viên tự tìm tòi, sáng tạo và giải các bài toán cho một đề bài đã ra trước. Nhưng những bài toán ngoài cuộc sống, những bài toán về ứng dụng công nghệ trong thực tế, những bài toán về niềm tự hào VN về kinh tế và khoa học trên trường Quốc tế đòi hỏi tuổi trẻ VN cần nỗ lực hơn nữa để tự ra đề và tự giải quyết các vấn đề. Nó khó khăn hơn gấp nhiều lần cuộc chơi Robocon.

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc cho rằng “Bất luận kết quả thế nào, điều lớn nhất các bạn đạt được có thể không phải là giải thưởng mà là cơ hội để tìm tòi học hỏi, phối hợp với nhau trong một nhóm, và sự tập trung cao độ trong cuộc thi sẽ tạo thói quen tốt trong nghiên cứu và sáng tạo. Khi Robocon kết thúc, công việc của các bạn, với tư cách là các kỹ sư và nhà khoa học tương lai, mới thực sự bắt đầu. Đó chính là một Robocon thực sự lớn hơn và nhiều thử thách. Vì vậy, hãy coi Robocon là nơi bắt đầu, chứ đừng coi đó là sự kết thúc.”

Đoàn Minh Hằng

25/8/07

Lá thư của cô Hà

Một lần nữa Cô bé Hằng lại gọi với giọng thiết tha của chất giọng Hà Nội chứa chan nghị lực: “Cô ơi cô đã viết cho em chưa?”. Tôi cảm thấy thực sự có lỗi trước Hằng, em đã nhắc tôi về lời tôi đã hứa khá lâu sẽ viết bài về Robocon của trường ĐHSPKT và về suy nghĩ của tôi về cuộc thi Robocon Châu Á Thái Bình Dương.

Tôi phải chắp bút viết ngay đây để không sai hẹn trước một cô bé bản lĩnh và đầy ước vọng. Chỉ vài lần trao đổi và 1 lần gặp em được nghe em kể về công việc của em ở FPT tôi cảm thấy thích thú trước một ý tưởng và 1 quyết tâm của cô gái tốt nghiệp ngành Nhật ngữ và công việc này gần như đặt cho cô bé một vấn đề khác hẳn với những gì em được trang bị ở trường đại học. Em hào hứng kể cho tôi nghe về công việc mới đầy thú vị của em tại FPT em kể về “Sếp trực tiếp” của mình với lòng tin , niềm khâm phục tuyệt đối và em tự hào khi có “Sếp tuyệt vời” như vậy . Em còn kể cho tôi về những kế họach tương lai em định làm trong lãnh vực nghe tưởng chừng như rất khô khan và máy móc “Robocon” này .

Tôi quý em và tôi tin em sẽ làm được và sẽ thành công trong dự định của mình .

Trở lại với công việc em đã yêu cầu, tôi xin được trình bày cảm xúc và những nhận xét chủ quan từ góc độ một nhà giáo, 1 người có tham gia vào tổ chức , một thành viên trong ban giám khảo của cuộc thi vòng loại khu vực phía Nam và cũng là …1 chỉ đạo viên cũng không ít lần cùng các sinh viên bàn luận thiết kế và đã từng hồi hộp với nụ cười và cả nước mắt trong cuộc thi hấp dẫn này.

…. Từ những kỷ niệm của Robocon:

Có những kỷ niệm khó quên của cuộc thi ‘ cầu mây chinh phục không gian “ một đội sinh viên khoa In của trường – trong cuộc thi vòng loại khu vực phía nam vì các sinh viên của đội đã chế tạo Robot tại nhà và hôm đi thi từ Thủ Đức lên thành phố các em đã không thuê được xe tải phải thuê taxi , những chú Robot tay quá dài nên tạm được “ gỡ xếp tay chân lại “ khi đến sân thi lắp ráp lại thì cuộc thi đã kết thúc ! Nhin các em nuớc mắt lưng tròng Ban tổ chức và nhất là giáo viên của trường cũng không nén được cảm xúc.

Những đêm thức trắng chuẩn bị cho cuộc thi và những buổi tranh cãi nảy lửa và cả những buổi làm hòa khi thấy Robot thực hiện được những nhiệm vụ theo kế họach là kỷ niệm không quên đối với các sinh viên tham gia cuộc chơi. Để bảo vệ chăm sóc cho những chú Robot thông minh các em đều nâng niu và che chở rất kỹ lưởng nào may áo che bụi năng và che mưa , đóng đế và hộp để khi chuyên chở không làm va chạm.

Và có lần đến dự cuộc thi vòng lọai trời đổ mưa , gặp các em ở trần ôm các robot được bọc kỹ bằng áo của các em từ tắc xi chạy vào nhà thi đấu . Gặp tôi các em ngượng ngùng nói –“ tụi e m có áo thi đấu khô cô a . Chúng em không ốm đâu? , Cái chính là Robot không sao cô nhỉ “. Tất cả mồ hôi và công sức của thầy và trò đã được các chú Robot rất thông minh này hình như biết ý và “trả công” bằng những hành trình ngọan mục theo đúng ý của chủ nhân trong những khi luyện tập tại sân nhà. Không hiểu sao khi ra sân thi đấu bên cạnh những chú Robot thông minh ngoan ngõan áy còn có không ít những chú bướng bỉnh không chịu nghe lời hoặc cứ lỳ ra không thích đi hoặc dường như sợ hãi ai đó mà chẳng chịu động đậy. Có chú robot tự động còn nổi nóng phun lửa phì phì làm các chú khác cũng sợ cuống lên và đi lạc lung tung.

….đến suy ngẫm về cuộc thi Robocon:

Cuộc chơi nào cũng phải kết thúc và các em lại bước vào cuộc thi quan trọng nhiều gian nan và quyết định không nhỏ đến tương lai của các em đó là thi lại, thi các môn học các em phải lùi lại so với tiến độ của nhà trường. Nhà Trường hàng năm phải cho phép gần trăm sinh viên xin nhận điểm I và thi lại các môn của học kỳ hai, điều này đã gây không ít khó khăn cho nhà trường trong công tác tổ chức và cho bản thân sinh viên làm ảnh hưởng đến gia đình của sinh viên khi thời gian học của các em kéo dài hơn. Rất nhiều sinh viên phải bắt buộc từ bỏ cuộc chơi mặc dù tích lũy rất nhiều kinh nghiệm thi đấu nhưng vì việc học vì tương lai của chính các em nên đành tiếc nuối tạm biệt những chú robot và không tham dự vào cuộc chơi. Và đã có những trường hợp vì tham gia cuộc thi Robocon mà hết thời gian học tập trong đại học và như vậy kết thúc của cuộc chơi Robocon đã không có hậu.
Từ thực tế đó tôi thiết nghĩ ban tổ chức nên thay đối một chút kế hoạch thi như sau : tháng 10 ,11 thường là chủ đề của cuộc thi đã có, nên tổ chức vào tháng 4 cho vòng loại các khu vực. Riêng tháng 05 và 06 hãy để thời gian cho các em thi cử và thực hiện nốt kế họach của học kỳ và thời gian từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 tổ chức thi tòan quốc. 1 tháng còn lại đội tuyển đại diện của VN có đủ thời gian chỉnh trang sửa chữa Robot chuẩn bị lên đường vào tháng 09 , dự thi vòng Châu Á Thái bình dương .

Tiến sĩ Trần Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý khoa học Quan hệ quốc tế và sau đại học, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM

Đêm đã khuya lắm rồi, nhưng cô cảm thấy rất dễ chịu và không hề mệt mỏi khi viết lại những kỷ niệm và suy ngẫm này cho em Hằng ạ. Cô tưởng tượng nụ cười rất tươi của em khi nhận thư của cô mặc dù không biết bài viết này có đúng nội dung như em kỳ vọng không ?Nếu đúng thì tốt còn nếu không thì cô chịu thôi vì cô là giáo viên dạy kỹ thuật có lẽ viết không hay lắm đâu. Cô chúc em nhiều nghị lực để thành công hơn nữa trong công việc có liên quan đến ROBO… em nhé.

Buổi sáng lên đỉnh Fanxipang


Buổi sáng lên đỉnh Fanxipang

Buổi sáng ấy
Trời đầy sương
Và tôi lầm lụi buớc
Có người phía trước
Có người sau tôi
Rừng trúc âm u
găng tay ướt hết rồi
tóc ướt
áo ướt
Và tôi vẫn hát
Cuộc đời cũng giống như bản nhạc
thăng trầm những buồn vui

Buổi sáng ấy tôi đi qua những núi đồi
trập trùng đá
bồng bềnh mây
san sát những hàng cây
lênh kênh những phiến đá trơn trên dòng suối
Đó là buổi sáng bước chân tôi rong ruổi
qua đêm dài bớt nhức nhối hơn

Tôi đi qua những con đường trơn
Tôi ngồi trên cỏ mục
Tôi đu tay trên cành trúc
Tôi rẽ cỏ ven đường
Tôi ngậm những giọt sương
Tôi vịn vào những đôi tay bè bạn

Và tôi luôn hát
không cần ai nghe
không cần núi rừng nghe
chỉ cần thấy tôi hạnh phúc
tôi tự tôi thúc giục
tự an ủi mình đi
tự nghe tiếng thầm thì
của trái tim đơn độc

Thế rồi sau mệt nhọc
Tôi thấy mình mạnh hơn
Chẳng điều chi có thể cản đường
Con đường tôi đã chọn
Những nghĩ suy nhỏ mọn
nằm tít dưới thung sâu
Rừng núi rực một mầu
Xanh bạt ngàn kiêu hãnh

Tôi đứng trong gió lạnh
Giữa bầu trời bao la
Ngước mắt nhìn rất xa
Tôi thấy mình vụt lớn

Đoàn Minh Hằng 5/2005